Năm 2016, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam vào thị trường châu Âu hơn 94.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu gần 766 triệu USD, chiếm gần 27% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), năm 2016, ngành điều Việt Nam đã xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, trong đó khoảng 2,85 tỷ USD điều nhân, còn lại là các sản phẩm phụ của hạt điều. Đây là năm thứ 11 liên tiếp, ngành điều Việt Nam giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân, tiếp tục duy trì thị phần trên 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu (khoảng 5,5 tỷ USD).
Các DN xuất khẩu nhân điều đều ý thức rất cao về thương hiệu “Hạt điều Việt Nam”, coi chất lượng là sự sống còn của DN. Do vậy, hầu hết DN xuất khẩu đều phấn đấu để có chứng nhận HACCP. Ngoài ra, các DN, nhà máy lớn có điều kiện tài chính tốt đã xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cao hơn như ISO 22000, FSSC 22000, BRC… Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Giám đốc Công ty Giám định Vinacontrol TPHCM, đơn vị chuyên về giám định dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị, sản phẩm công nghiệp, cho biết nhằm kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến điều, các DN ngành điều đã từng bước cải tiến công nghệ, thiết bị, máy móc sử dụng trong một số khâu sản xuất điều. Đến nay, Việt Nam đã dần thay thế phương thức sản xuất thủ công bằng phương pháp sản xuất hiện đại trong tất cả các khâu của dây chuyền chế biến nhân điều. Các DN Việt Nam đã tạo ra sản phẩm nhân điều sạch, an toàn hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, ông Phạm Minh Trí, Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết vẫn còn thách thức đối với các DN xuất khẩu, đó là tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU khá cao, trong đó có việc truy nguồn gốc xuất xứ thuần túy, do Việt Nam đang nhập khẩu nhiều nguyên liệu điều thô từ các nước châu Phi (Bờ Biển Ngà, Nigeria, Ghana…).
Trên thực tế, thời gian qua vẫn tồn tại hiện tượng một số lô hàng xuất vào EU có tình trạng sâu mọt, tạp chất, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành điều… Nguy cơ này cũng có thể xảy ra với thị trường Mỹ, vốn là thị trường xuất khẩu số 1 của các DN điều Việt Nam. Nguyên nhân, do từ đầu năm 2017, Chính phủ Mỹ đã áp dụng Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm. Luật này đã thay đổi hoàn toàn về khâu kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, biên giới không còn là hàng rào bảo vệ đầu tiên hàng nhập khẩu vào Mỹ nữa mà trở thành điểm kiểm tra cuối. Các rủi ro khi đó (nếu có) được phân bổ đều trên toàn chuỗi. DN chỉ có thể xuất hàng vào thị trường Mỹ khi hồ sơ chứng minh từng khâu sản xuất đều đã được kiểm tra và chứng nhận bởi đơn vị kiểm định độc lập. Và đơn vị kiểm định độc lập này phải nằm trong danh sách được Chính phủ Mỹ chấp thuận.
Do vậy, theo ông Phạm Minh Trí, bên cạnh việc nâng cao năng lực sản xuất, để có thể xuất khẩu các sản phẩm từ hạt điều vào những thị trường khó tính trên, DN cần chú ý kiểm soát côn trùng, sâu mọt và dư lượng thuốc tại khâu khử trùng; kiểm soát tạp chất; áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh. Các DN phải đặt ra các yêu cầu cao hơn về chất lượng đối với nguyên liệu điều thô nhập khẩu từ các nước. Đồng thời, chú ý đầu tư vào vùng nguyên liệu trong nước để dễ dàng đáp ứng các yêu cầu của thị trường khó tính như EU hay Mỹ.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas, cho biết thêm hiện xu hướng tiêu dùng trên thế giới đang chuyển dần từ điều thông thường sang sản phẩm hữu cơ - organic. Trung bình, điều organic có giá cao hơn 60% so với điều thường. Chính vì vậy, để ngành điều Việt Nam phát triển bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm, các DN trong nước cần hướng tới sản xuất điều sạch theo hướng hữu cơ. Muốn vậy, DN cần tích cực chủ động liên kết với nông dân, hỗ trợ nông dân về vốn cũng như kỹ thuật để xây dựng vùng nguyên liệu sạch cho riêng mình.