Xây dựng thương hiệu trà Bảo Lộc

Không hổ danh là xứ trà, nghề làm chè (trà) tại Bảo Lộc đã có những bước phát triển mạnh trong 15 năm gần đây. Nhưng dường như, xứ sở này vẫn đang còn thiếu một thương hiệu trên con đường hội nhập.
Xây dựng thương hiệu trà Bảo Lộc

Không hổ danh là xứ trà, nghề làm chè (trà) tại Bảo Lộc đã có những bước phát triển mạnh trong 15 năm gần đây. Nhưng dường như, xứ sở này vẫn đang còn thiếu một thương hiệu trên con đường hội nhập.

  • Đi trong hương trà
Xây dựng thương hiệu trà Bảo Lộc ảnh 1
Siêu thị trà ở Công ty TNHH Tâm Châu.

Trở lại Bảo Lộc giữa những ngày cuối tháng 3 nắng hạn gay gắt nhưng đi đâu cũng gặp hương thơm thoang thoảng của chè tươi đang vò, sấy – một mùi vị đặc trưng đã gắn bó với người dân nơi đây gần một thế kỷ qua. Từ một vài đồn điền của người Pháp cách đây khoảng 80 năm, đến trước năm 1994 Bảo Lộc đã là một huyện vừa có diện tích chè lớn nhất nước mà là nơi có nghề kinh doanh chè sầm uất cũng bậc nhất.

Theo chân anh Phan Văn Phấn (Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thanh), chúng tôi đến với những vườn chè nằm ở thôn Thanh Xuân 2: Nhờ thâm canh, tưới nước đều nên chè vẫn xanh mướt.  80% diện tích chè của xã có tưới, so với không tưới chỉ đạt 6 tấn búp tươi/ha thì nhờ tưới mà năng suất gấp đôi. Cá biệt, có hộ áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM thì năng suất còn cao hơn.

Nếu như trước đây, người dùng trà đã từng biết các thương hiệu Quốc Thái, Đỗ Hữu thì nay có thêm Trâm Anh, Tâm Châu… với cách trưng bày ấn tượng, lối kinh doanh hiện đại bằng cung cách phục vụ lịch sự. Người qua đường thật sự bị chinh phục bởi hàng chục danh trà mọc lên san sát trên đường Trần Phú – dọc quốc lộ 20 kéo dài nhiều cây số làm nên một diện mạo riêng biệt cho thị xã.

Nếu ngày mới giải phóng, Bảo Lộc chỉ có 4 nhà máy chè với tổng công suất 140 tấn tươi/ngày (khoảng 2.015 tấn khô/năm) thì nay năng lực chế biến đã đạt 25.000 tấn khô/năm, trong đó 35% là xuất khẩu, 20% là của các nhà máy quốc doanh, 20% là của các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là của kinh tế cá thể. Trong số hơn 50 cơ sở, đã có 15% là công nghệ tiên tiến, 35% công nghệ khá, không còn công nghệ chế biến lạc hậu so với cách nay 20 năm. Như hoa Đà Lạt, chính hương thơm của những sản phẩm chè ướp hương, chè đen, chè ô long đã đưa cái tên Bảo Lộc vượt ra ngoài địa giới hành chính của tỉnh, của quốc gia. 

  • Từ vườn đến trang trại

Hiện trên địa bàn thị xã có 5 đơn vị nước ngoài đang đầu tư sản xuất, chế biến, kinh doanh chè với qui mô lớn hàng chục đến cả trăm hécta. Nhưng cũng đã xuất hiện một số doanh nghiệp địa phương có quy mô không thua kém. Chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến những đồi chè bát ngát hàng chục mẫu của Công ty TNHH Tâm Châu – một doanh nghiệp địa phương đi đầu trong việc áp dụng công nghệ chăm sóc, tưới tiêu hiện đại theo quy trình chè sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Công ty đã sớm chọn cho mình một hướng đi: Trồng chè ô long xuất khẩu.

Công ty đã xây dựng được một nông trường với diện tích 100 ha (đang cho thu hoạch) tại xã Đạm Ri và đang đầu tư tiếp một nông trường 2 cũng 100 ha tại xã Lộc Tân (đã trồng được 20 ha), chi phí đầu tư cho mỗi hécta khoảng 150 triệu đồng. Toàn bộ sản phẩm làm ra từ làm đất, bón phân, chăm sóc đến thu hoạch đều được tuân thủ theo quy trình công nghệ sản phẩm chè sạch và khép kín từ sản xuất đến chế biến. Việc hái chè hoàn toàn do đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ làm để đảm bảo hái đúng, hái đủ búp với công hái lên đến 1.800đ/kg. Chỉ với 2 nông trường, công ty đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 400 lao động dân tộc thiểu số và đó là điều mà các chế độ trước đây chưa làm được.

Xây dựng thương hiệu trà B‘Lao

5 năm qua, nhờ tỉnh có chính sách trợ giá trồng mới chè cành với các giống TB14, Shan Lâm Đồng 97, ô long… nên diện tích chè giống mới ở Bảo Lộc đã đạt 1.500 ha, chiếm gần 16% diện tích, năng suất bình quân cũng tăng từ 5 tấn/ha lên 7 tấn, riêng chè cành đạt 12 tấn/ha. Dù mỗi năm xuất khẩu được vài ngàn tấn qua Trung Đông, Nhật, Đài Loan thì về cơ bản sản phẩm cũng chỉ nội tiêu là chính; phần lớn các doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu.

Theo thống kê, tỷ lệ xuất khẩu là 35% nhưng không bền vững, giá thấp. Do vậy, việc hoạch định một lộ trình xây dựng một thương hiệu trà Bảo Lộc chung và các thương hiệu riêng để tăng sức cạnh tranh, hội nhập khu vực đang là một hướng đi bắt buộc. Thị xã đang cùng tỉnh lên kế hoạch tổ chức Lễ hội Chè vào năm 2006.

Trước mắt cần tập trung xây dựng một số vùng nguyên liệu tập trung ở các xã vùng ven thị xã như Lộc Châu, Đại Lào, Lộc Thanh; tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư xây dựng thêm các hồ thủy lợi. Kế tiếp là việc quy hoạch, kêu gọi đầu tư các cơ sở chế biến ở các khu công nghiệp và cuối cùng là đầu tư hoàn chỉnh thương hiệu, khuếch trương thương hiệu. Đó chính là con đường đi của ngành chè Bảo Lộc từ đây đến năm 2010.

Bài, ảnh: VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục