Xây dựng thủy điện Don Sahong: ĐBSCL gánh chịu nhiều hệ lụy

Thủy điện Don Sahong (Lào) xây dựng trên dòng chính sông Mekong được thiết kế theo công nghệ đập tràn, cách biên giới Campuchia 2km và cách Việt Nam khoảng 420km. Quy mô dự án nhỏ hơn Xayaburi nhưng những tác động đối với môi trường hệ sinh thái và đường di cư của cá thì lớn hơn. Nhiều vấn đề nghịch lý, chưa rõ ràng về đập thủy điện này được nêu ra tại hội thảo tham vấn quốc gia về công trình này, do Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ ngày 23-12, nhất là những tác động đến sinh kế người dân vùng hạ lưu.
Xây dựng thủy điện Don Sahong: ĐBSCL gánh chịu nhiều hệ lụy

Thủy điện Don Sahong (Lào) xây dựng trên dòng chính sông Mekong được thiết kế theo công nghệ đập tràn, cách biên giới Campuchia 2km và cách Việt Nam khoảng 420km. Quy mô dự án nhỏ hơn Xayaburi nhưng những tác động đối với môi trường hệ sinh thái và đường di cư của cá thì lớn hơn. Nhiều vấn đề nghịch lý, chưa rõ ràng về đập thủy điện này được nêu ra tại hội thảo tham vấn quốc gia về công trình này, do Ủy ban sông Mekong Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ ngày 23-12, nhất là những tác động đến sinh kế người dân vùng hạ lưu.

Giúp cá di chuyển bằng… xe tải (?)

Bà Nguyễn Hồng Phượng, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam (VNMC) cho biết: Đập thủy điện Don Sahong mà Lào sắp xây dựng nằm trên 1/17 phân lưu của dòng chính sông Mekong có tên Hou Sahong, gần giáp với biên giới Campuchia. Theo thiết kế, đập thủy điện này có công suất 260MW. Trong điều kiện thủy văn hiện tại, khoảng 4% tổng dòng chảy hàng năm sông Mekong đi qua phân lưu Hou Sahong. Tuy nhiên khi đập thủy điện được xây dựng thì 50% dòng chảy sẽ được điều hướng vào Hou Sahong trong mùa khô để đảm bảo lưu lượng 1.600m3/giây cho việc phát điện; vào mùa mưa là 7%.

Tuy nhiên, phân lưu Hou Sahong có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi là đường di cư quanh năm của 80% lượng cá trên sông Mekong. Khi đập thủy điện vận hành coi như đường đi của cá không còn nữa. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, thiệt hại lớn về kinh tế và sinh kế của người dân. Đặc biệt đe dọa môi trường sống của loài cá heo nước ngọt.

“Chủ đầu tư đề xuất chuyển đường di cư của cá sang 2 dòng phân lưu Hou Sa đam và Hou Xang phước nhưng không có tính toán thủy văn, thủy lực thế nào, liệu có phù hợp không? Việc nhà đầu tư khẳng định dùng tua-bin thân thiện với cá (không gây tổn thương cho cá khi duy chuyển qua đập - PV) là chưa có bằng chứng thực tế trên thế giới. Mặt khác, giải pháp trong trường hợp các loại cá lớn nào không tự di chuyển được thì huy động lực lượng, phương tiện bắt từ dưới đập đưa lên xe tải chuyển lên thả phía thượng nguồn là hết sức khó hiểu, phi thực tế”.

Nguồn cá ở hạ lưu bị đe dọa nghiêm trọng bởi các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông. Ảnh: BÌNH ĐẠI

Về vấn đề này, ông Lê Tấn Định, Phân viện Quy hoạch thiết kế Nông nghiệp miền Nam cho rằng: “Giải pháp bắt cá là không khả thi. Mặt khác chưa thấy tua-bin nào gọi là thân thiện với cá”. Theo các chuyên gia, dòng Hou Sahong nơi có dự án Don Sahong là dòng chính của thác Khone, nơi khoảng 100 loài cá di cư quanh năm, trong đó có nhiều loài cá từ vùng ĐBSCL di cư qua đây.

Việc xây dựng đập Don Sahong sẽ gây cản trở đến sự di cư của cá trên toàn lưu vực. Một trong những cá thể cuối cùng còn lại của loài cá heo Irrawadyy sống giữa Lào và Campuchia có thể bị tuyệt chủng do tiếng ồn và ô nhiễm từ việc nổ mìn xây dựng đập. Những việc này sẽ tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực và sinh kế của người dân Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Cần đánh giá trên diện rộng

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý khẳng định: Báo cáo của chủ đầu tư về dự án này thiếu giải pháp cho tác động lên chất lượng nước của việc đào hơn 1 triệu m3 đất đá, hay tác động của tăng hàm lượng phù sa, bùn cát lên sinh vật thủy sinh. Thiếu đánh giá toàn diện về sinh cảnh sẽ bị mất ở khu vực ven bờ của phân lưu Hou Sahong; thiếu đánh giá tác động đối với đa dạng sinh học của khu vực, đặc biệt là phía hạ du. Đây là khu vực có sự đa dạng sinh học cao với nhiều loài đặc hữu, bị đe dọa tuyệt chủng. Đặc biệt, tác động về môi trường, kinh tế xã hội, rủi ro xuyên biên giới không được tính đến là bất hợp lý.

Ông Đặng Thanh Lâm, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho rằng, ở dự án này, công cụ, phạm vi đánh giá tác động quá hẹp, chỉ xem xét 3/17 phân lưu trên dòng chính sông Mekong qua khu vực này là chưa đầy đủ. Mặt khác, tại sao không đánh giá tác động xuyên biên giới tới Biển Hồ (Campuchia), Tân Châu, Châu Đốc (Việt Nam)? Việc đánh giá tác động chất lượng nước ít chỉ là dự đoán, chưa có gì cụ thể”. Bà Huỳnh Thị Phép, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Long An cho rằng các báo cáo, đánh giá của chủ đầu tư công trình thủy điện này chưa thuyết phục, chưa đủ cơ sở khoa học.

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phan Anh Vũ nêu ý kiến: Cần phải đánh giá tổng thể các đập thủy điện trên sông Mekong tác động như thế nào đến vùng hạ du. ĐBSCL mà hết phù sa thì vựa lúa không còn, đe dọa an ninh lương thực cho cả khu vực và thế giới.

“Thực tế cho thấy, năm nào lũ về lớn, mùa vụ liên tiếp trúng đậm. Nếu không có lũ thì đất bị “chay”, năng suất sụt giảm, chi phí tăng cao. Hiện ở Vĩnh Long, nước mặn mỗi năm cứ tiến sâu vào nội đồng. Và tới đây, khi các công trình này vận hành, mùa kiệt phải tích nước thì nước biển sẽ tràn vào, thiệt hại bao nhiêu, cần những giải pháp nào?” - ông Phan Anh Vũ đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: Hiện nay ở phía thượng nguồn Trung Quốc đã đưa vào vận hành 4/8 dự án thủy điện. Dù ở rất xa nhưng những tác động bước đầu đã được ghi nhận tại ĐBSCL như: Hiện tượng xói lở ở các tỉnh ven biển ngày càng nghiêm trọng gây nên tình trạng mất đất, xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu vào đất liền… Nếu các dự án ở Lào và Campuchia đưa vào xây dựng thì ĐBSCL sẽ đối mặt với nhiều hiểm họa hơn về môi trường và sinh kế người dân.

Trước cuộc tham vấn này, trong 2 tuần cuối tháng 11 vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức 6 cuộc tham vấn ở tận một số xã trong vùng ĐBSCL và 100% người dân không đồng ý về việc xây thủy điện Don Sahong vì những tác động tiêu cực mà nó gây ra. Người dân ĐBSCL cho rằng việc sử dụng nguồn nước chung từ sông Mekong của một quốc gia không thể chỉ theo quyết định của quốc gia đó và gây tổn hại cho các quốc gia khác.

Trên dòng chính sông Mekong, Trung Quốc đã và đang phát triển thủy điện 8 đập, 2 hồ (giai đoạn 1). Các công trình thủy điện Manwan, Daichaoshan, Xiaowan, Jinghong và Nuozhadu đã đi vào vận hành. Trước năm 2017, các công trình còn lại sẽ hoàn thành. 9 công trình thủy điện khác trên dòng chính của Lào và biên giới Lào - Thái Lan. Campuchia cũng có kế hoạch xây dựng 2 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong.

HUY PHONG

Tin cùng chuyên mục