Chứng kiến 2 đoạn video clip được tung lên mạng mô tả cận cảnh các nữ sinh trung học giải quyết bất đồng cá nhân bằng “sức mạnh cơ bắp” hệt như trong các tập phim Terminator (Kẻ hủy diệt) của Hollywood, nhiều bậc phụ huynh bỗng thoáng rùng mình tự hỏi: Ai để đạo đức học đường xuống cấp đến vậy?
Tất nhiên, có người sẽ phản bác rằng đó là chuyện nhỏ vì “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, và chung quy cũng tại… ông nhà mạng đã phát tán những hình ảnh xảy ra nhan nhản trong đời thực. Nhưng có gì đó vẫn nhói trong tim khi cái ác vẫn hiện hữu và được “công khai hóa” chí ít qua cái nhìn thờ ơ, dửng dưng của người chứng kiến.
Trước tiên phải khẳng định chính người lớn chúng ta đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm tổn thương môi trường giáo dục, khiến sự trong sáng của “áo trắng em chưa lấm bụi đời” nhuốm bùn đen bạo lực và các tệ nạn xã hội khác.
Điều này có thể thấy rõ qua nhiều dẫn chứng từ cuộc sống khi sợi chỉ mong manh giữa thiện và ác dễ dàng đứt gãy chỉ từ cách xử sự không đúng mực của các bậc cha chú. Chẳng hạn một người mẹ buồn bã kể lại trên một tờ báo rằng đứa con nhỏ đang học lớp chồi của chị đã không còn tin vào… người lớn chỉ sau một buổi biểu diễn văn nghệ ở trường: Cháu được chọn là “solist” hát chính trong một tiết mục có múa minh họa nhưng khi biểu diễn thì giọng phát ra từ loa không phải là giọng thật hàng ngày của cháu.
Theo lời kể của người phụ nữ này, cháu luyện bài hát hàng ngày và chỉ được mong xuất hiện trên sân khấu với khả năng thật của mình nhưng kết cục là dù có tiếng vỗ tay của người lớn, cháu bé vẫn òa khóc vì đó không phải là “giọng của con”… Chả lẽ chúng ta lại phải giải thích rằng trên đời còn tồn tại sự giả dối có tên “hát nhép”.
Năm ngoái, đề thi đại học môn văn có một câu yêu cầu trình bày suy nghĩ về sự trung thực trong thi cử qua trích dẫn một bức thư gửi thầy hiệu trưởng của một phụ huynh, tương truyền là của chính người sáng lập ra nước Mỹ.
Đề thi khá hay nhưng đặt vào trường hợp em nhỏ trên thì em sẽ viết gì? Có lẽ em sẽ viết rằng kính thưa thầy hiệu trưởng, dù ba má em có “chạy” cho em trường điểm thì em xin thầy vẫn cho em được học tại ngôi trường làng yêu dấu của em, và dù có trao cho em giải thưởng văn nghệ thì em cũng không nhận vì đơn giản nó không phải là của em…
Rõ ràng, sự trung thực đang cần hơn bao giờ hết và có thể nói là liều thuốc hiệu nghiệm để diệt trừ loại virus bạo lực đang có nguy cơ gây bệnh cho môi trường giáo dục.
Cũng cần nhấn mạnh sự cấp thiết phải thay đổi toàn diện cách thức chúng ta “trồng người” từ giáo dục bài học vỡ lòng “nhân chi sơ, tính bản thiện” đến hình thành nhân cách… Muốn vậy cần có cách tiếp cận khác về tâm lý học sinh.
Ở đây, có thể thấy sự khô cứng và giáo điều trong các tiết học “giáo dục công dân” đã khiến các em… khó hướng tới các tiêu chí chân, thiện, mỹ. Chính sự bất cập này, cùng sự thiếu quan tâm từ phía gia đình, đã đẩy những tâm hồn non nớt từ “bụi phấn” lọt vào vòng xoáy của “bụi đời” với những ảnh hưởng tiêu cực.
Một điều tra cho thấy có đến phân nửa hành vi của trẻ nhỏ phụ thuộc vào “văn hóa nghe – nhìn” trên các kênh truyền hình và trên mạng với đầy rẫy những hình ảnh không thể “lọc” sạch ở lứa tuổi vị thành niên. Trong khi đó, “văn hóa đọc” lại thật sự nhạt nhòa với sự trống rỗng về chiều sâu trên giá sách. Chẳng hạn, ngoài các truyện tranh dạng comics và các cuốn tiểu thuyết về ma cà rồng như Chạng vạng, Hừng đông… thì các loại sách cổ điển gần như không có trong bộ nhớ của các em. Và chẳng lẽ các bộ sách tinh túy của nhân loại… cũng phải “tranh hóa” để dễ đọc, dễ cảm thụ?
Như thế, sự rạn nứt của khối tam giác nhà trường - xã hội - gia đình là tác nhân chính tạo sự bùng nổ bạo lực học đường. Cách hàn gắn mối liên kết tương hỗ không gì khác là kết hợp “xây” và “chống”, lấy “xây” trường học thân thiện, “xây” môi trường văn hóa lành mạnh, “xây” gia đình hạnh phúc… là chính yếu. Và muốn nói “không” với bạo lực thì nhất thiết phải nói “có” sự chung sức, đồng thuận của toàn xã hội khi thực hiện các mục tiêu giáo dục con người.
B.AN