Trong ngày mà HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Park Hang-seo vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng nhì, tại trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), tân Giám đốc Kỹ thuật người Nhật Bản Yusuke Adachi cũng chính thức nhận nhiệm vụ, với 5 mục tiêu, phần lớn xoay quanh hệ thống bóng đá trẻ và phát triển tài năng.
Đây là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống quản lý các đội tuyển quốc gia đều do các chuyên gia hàng đầu điều hành, là các ông Adachi (xây dựng chiến lược), Park Hang-seo (đội tuyển quốc gia và U23) và Philippe Troussier (đội tuyển U19 Việt Nam). Họ đều đến từ những nền bóng đá phát triển bậc nhất, đặc biệt ở khía cạnh tổ chức khoa học và bóng đá trẻ. Nếu đánh giá ở phương diện chiến lược, chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại được đầu tư một cách căn cơ và quyết liệt như vậy. Chúng ta đã có những thành quả ấn tượng nhờ sự đóng góp của các chuyên gia ngoại, nhưng không phải lúc nào họ cũng cảm thấy thoải mái để phát huy tài năng, khi phải làm việc trong một hệ thống thiếu sự ổn định và liền mạch.
Trong suốt một quá trình dài, bóng đá Việt Nam chủ yếu tập trung cho mục tiêu thành tích đỉnh cao, chưa chú trọng yếu tố hệ thống. Cụ thể là trong hơn 40 năm qua, dù có đến hơn 20 HLV chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam, nhưng tính đến nay, ông Achadi mới là Giám đốc Kỹ thuật thứ 3 của VFF. Trong khi đó, cũng chỉ mới có 2 HLV người nước ngoài từng dẫn dắt đội tuyển U19, lứa cầu thủ có ảnh hưởng lớn đến tương lai của nền bóng đá. Việc tập trung quá nhiều vào thành tích trước mắt khiến cho thời gian làm việc của các HLV nước ngoài thông thường rất ngắn ngủi, chỉ cần một thất bại tại SEA Games hay AFF Cup là bị mất việc. Một số người khác thì sau một thời gian làm việc, rơi vào tình trạng mất động lực khi không tìm được tiếng nói chung với hệ thống tuyến trẻ hoặc định hướng của cơ quan quản lý. Trong cách vận hành quen thuộc của bóng đá Việt Nam, chúng ta hay bỏ quên 2 bước quan trọng: Chuẩn bị sớm và định hướng dài hạn.
Nhưng sau thành công của HLV Park Hang-seo suốt 3 năm qua, cũng như những thành quả được đong đếm rất cụ thể từ những lứa cầu thủ đến từ HA.GL, Hà Nội, PVF…, những nhà quản lý của bóng đá Việt Nam đã mạnh dạn hơn khi đưa ra mục tiêu dài hạn. Chúng ta đang nói đến cơ hội hiện thực hóa giấc mơ World Cup, đến việc thường xuyên tham gia các vòng chung kết giải châu Á trong tương lai.
Nói cách khác, bóng đá Việt Nam đã nhìn thấy những cái đích ở rất xa, và từ đó cũng nhìn nhận nghiêm túc hơn vấn đề xây dựng nền móng vững chắc. Không có cái cây nào cao, to mà lại thiếu bộ gốc vững chãi, khỏe mạnh cả. Một trong những việc quan trọng khi xây nền móng, đó là cần những con người có chất lượng cao, có sự am hiểu và kinh nghiệm sâu sắc. Mời một loạt chuyên gia giỏi giúp sức cho mình chính là tiến bộ đáng ghi nhận của VFF.
Nhưng từ tầm nhìn ấy cho đến các công việc cụ thể không phải là điều dễ dàng. Bổ nhiệm một giám đốc kỹ thuật chất lượng cao đến từ Nhật Bản cũng chỉ là bước đi đầu tiên, tạo điều kiện để chuyên gia làm việc, hỗ trợ để các kế hoạch cũng như mục tiêu mà ông này đưa ra lại là chuyện khác. Đánh giá các kế hoạch ấy có phù hợp, có khả năng thực thi trong hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam hay không, là câu chuyện khác nữa. Đó là chưa nói, những thành phần trong hệ thống xây dựng bóng đá trẻ như CLB bóng đá, trung tâm đào tạo, nguồn nhân lực huấn luyện… liệu có tham gia tích cực hay không cũng là điều mà các nhà quản lý ở VFF phải đau đầu giải quyết chứ không thể “khoán trắng” cho giám đốc kỹ thuật hay chờ đợi quá trình hợp tác giữa những chuyên gia ngoại với nhau.
Nói cho cùng, các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là những người có tài năng, cũng chỉ đến làm việc theo thời hạn hợp đồng, có thể ra đi bất kỳ lúc nào. Bản chất vấn đề vẫn nằm ở khả năng tận dụng thời cơ, khơi gợi niềm đam mê, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp của VFF. Lấy ví dụ như ông Park Hang-seo, người đã khẳng định muốn đóng góp cho bóng đá Việt Nam nhiều hơn, cũng đã được Nhà nước ta ghi nhận công lao, qua đó cũng là cách để tạo thêm cho ông niềm vui được cống hiến và làm việc ở Việt Nam. Vấn đề còn lại, đó là làm sao để ông có thể làm tốt nhất công việc của mình.