Xe bồn, xe trộn bê tông vẫn chạy vào giờ cấm

Từ đầu năm 2018 đến nay, Thanh tra giao thông (TTGT) thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã phát hiện và xử lý 352 vụ phương tiện chạy vào khu vực cấm với số tiền xử phạt trên 440 triệu đồng. 

Chỉ tính riêng trong tháng 10, TTGT đã phát hiện và lập biên bản 24 vụ vi phạm đi vào đường cấm, khu vực cấm với số tiền xử phạt gần 29 triệu đồng.
 
Thế nhưng, tình trạng xe bồn, xe trộn bê tông chạy vào đường cấm, khu vực cấm vẫn diễn ra. Theo ghi nhận của phóng viên, trên một số tuyến đường rất nhiều xe trộn bê tông; xe bồn chở xăng, dầu lưu thông vào trong nội đô. 

Theo tổ kiểm tra liên ngành gồm CSGT và TTGT đứng chốt tại giao lộ Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng (quận 1), tuyến đường này thường xuyên có nhiều xe bồn, xe trộn bê tông lưu thông ra - vào khu vực nội đô. Mới đứng chốt hơn 20 phút đã phát hiện xe bồn chở xăng, dầu 51C-974.08 của Petrolimex vi phạm luật giao thông. Giấy phép lưu thông trong nội đô của chiếc xe này đã hết hạn từ cuối tháng 10-2018. Vài phút sau, tổ công tác tiếp tục dừng xe bồn 51C-919.14 của Petrolimex chở xăng, dầu cho một cây xăng trên đường Trần Não (quận 2) nhưng giấy phép cũng hết hạn từ tháng 10-2018. Theo quan sát của phóng viên, khi bị lập biên bản vi phạm,  tài xế của 2 xe này đã gọi điện thoại cho các tài xế khác thông báo “có cảnh sát”. Do vậy, sau đó không còn thấy thêm xe bồn nào lưu thông.
 
Theo một cán bộ trong tổ liên ngành, hiện nay mức xử phạt còn quá nhẹ, từ 800.000 - 1.200.000 đồng cho hành vi vi phạm chạy vào đường cấm, khu vực cấm. Còn tài xế bị tước bằng lái có thời hạn bao nhiêu còn tùy theo lỗi vi phạm. Nhưng khó khăn nhất là chờ phương tiện tháo dỡ hàng hóa chở quá tải. Nếu gặp xe trộn bê tông thì lực lượng phải đi theo xe đến công trình đổ bê tông xuống hết rồi mới đưa xe về bãi tạm giữ. Với xe bồn chở xăng, dầu thì bắt buộc phải sang nhiên liệu qua xe khác và có nhân viên công ty xuống phá niêm phong chì. Đối với các trường hợp này, lực lượng phải tốn cả ngày để xử lý xong vi phạm.

Đại diện lãnh đạo TTGT cho hay, hiện Sở GTVT TPHCM chỉ cấp phép cho các phương tiện phục vụ thi công công trình là tuyến đường sắt đô thị số 1 (gói 1A và 1B), công trình xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương, cung cấp nhiên liệu cho máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất và các đại lý tiêu thụ xăng, dầu với nội dung giấy phép có ghi rõ biển số xe và lộ trình cụ thể. Ngoài các phương tiện trên, tất cả xe lưu thông trong nội đô vào khung giờ hạn chế lưu thông để phục vụ cho các công trình khác là không đúng quy định.

Trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, lực lượng TTGT vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như theo quy định Bộ GTVT thì TTGT chỉ được dừng phương tiện trong một số trường hợp nhất định, do đó còn hạn chế trong xử lý phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm lưu thông trong khu vực nội đô vào những khung giờ hạn chế lưu thông. Thậm chí, một số trường hợp tài xế chống đối, cố tình bỏ chạy gây khó khăn cho TTGT, bởi lực lượng không có chức năng “truy đuổi” phương tiện. 

Giải pháp trước mắt, TTGT đề nghị Sở GTVT thu hồi giấy phép đối với các phương tiện được cấp giấy phép phục vụ công trình tuyến đường sắt đô thị số 1 nhưng đã lợi dụng để phục vụ công trình khác. Các phương tiện nhiều lần sử dụng giấy phép hết hạn thì xem xét từ chối cấp giấy phép mới. Về lâu về dài, TTGT kiến nghị Sở GTVT nghiên cứu, xem xét đề xuất bổ sung cơ sở pháp lý để có biện pháp chấn chỉnh các doanh nghiệp có phương tiện vi phạm lưu thông vào khu vực nội đô không đúng quy định, như xem xét tạm thời không cấp giấy phép. Ngoài ra, Sở GTVT tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin để có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với các phương tiện lưu thông trong khu vực nội thành vào những khung giờ hạn chế lưu thông.

Tin cùng chuyên mục