
Theo nhiều chuyên gia vận tải, đây là việc cần thiết nhằm tạo điều kiện cho vận tải hành khách công cộng phát triển song chắc chắn cũng sẽ tạo ra những xáo trộn nhất định trong việc đi lại bằng xe cá nhân của người dân. Kế hoạch làm làn đường ưu tiên/dành riêng cho xe buýt như thế nào? Cân đối nhu cầu đi lại của cả 2 loại hình vận tải nêu trên ra sao? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Điều hành Quản lý Vận tải hành khách công cộng thành phố, về vấn đề này.
Xe buýt bị kẹt trong dòng xe cá nhân
PV: Thưa ông, trong bối cảnh hầu hết các tuyến đường của TPHCM đang bị quá tải, Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng quyết định làm làn đường ưu tiên/dành riêng cho xe buýt hoạt động, liệu có khả thi?
Ông TRẦN CHÍ TRUNG: Thực tế trong phát triển đô thị ở nhiều nước đã chứng minh, phát triển vận tải hành khách công cộng là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn giao thông và bảo vệ môi trường. TPHCM cũng không là ngoại lệ. Thời gian vừa qua, TPHCM đã đầu tư đổi mới hơn 800 xe buýt và mở thêm nhiều tuyến buýt mới với chất lượng cao như các tuyến buýt kết nối đến sân bay Tân Sơn Nhất từ các bến xe miền Đông, miền Tây.
Sở Giao thông Vận tải đã đưa vào vận hành Trung tâm giám sát hoạt động xe buýt, nâng cấp phần mềm BUSMAP với một số tính năng thân thiện cho người sử dụng để dễ dàng tra cứu thông tin; phối hợp với Học viện cán bộ thành phố tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho 134 tài xế, nhân viên phục vụ trên xe và cán bộ quản lý điều hành xe buýt. Ban đầu, các hoạt động này đã cung cấp kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ tài xế, tiếp viên, cán bộ điều hành của xe buýt. Thế nhưng, tất cả những điều đó vẫn chưa đủ hấp dẫn hành khách đến với xe buýt. Một trong những “điểm trừ” lớn nhất của xe buýt trong mắt người dân là thường xuyên không đảm bảo lộ trình và biểu đồ giờ hành trình của xe buýt. Xe buýt hiện nay đang bị “kẹt” trong dòng xe cá nhân nên không thể đi và về đúng thời gian dự định. Để khắc phục tồn tại này, chỉ có một cách: làm làn đường ưu tiên/dành riêng cho xe buýt hoạt động. Tất nhiên, Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng hiểu rằng, triển khai thực hiện trong bối cảnh giao thông thành phố quá tải là điều rất khó khăn. Thế nhưng, được sự chỉ đạo, ủng hộ và hỗ trợ chặt chẽ của lãnh đạo thành phố và Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng đang nỗ lực nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp khả thi nhất để triển khai kế hoạch này.
Theo nhiều chuyên gia về vận tải, làn đường dành riêng cho xe buýt là làn đường chỉ dành cho xe buýt và làn đường ưu tiên là làn đường vẫn có thể cho các loại xe khác cùng lưu thông với xe buýt. Tuy nhiên, các loại xe này phải nhường đường cho xe buýt khi có yêu cầu. Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng dự định làm làn đường dành riêng hay ưu tiên cho xe buýt?
Tất cả đang trong quá trình nghiên cứu. Có thể sẽ làm làn đường dành riêng cho xe buýt trong một số giờ cố định còn sau đó là làn đường ưu tiên.
Sẽ nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý
Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng dự kiến chọn 2 tuyến đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ để triển khai làm làn đường ưu tiên/dành riêng cho xe buýt. Tại sao lại là 2 tuyến đường này? Nhất là khi 2 tuyến đường đó vốn đã thường xuyên quá tải?
Mục tiêu của việc làm làn đường ưu tiên/dành riêng cho xe buýt là đảm bảo cho xe buýt chạy đúng biểu đồ giờ và đúng lộ trình. Chính vì vậy phải chọn những tuyến đường đang bị quá tải để nghiên cứu làm làn đường ưu tiên/dành riêng cho xe buýt hoạt động. Hơn nữa, 2 tuyến đường này nằm trên lộ trình đi lại của rất nhiều tuyến xe buýt chuyên chở sinh viên học sinh đi học từ khu vực nội thành lên làng đại học Thủ Đức và ngược lại. Trung bình mỗi ngày có đến khoảng 40.000 lượt sinh viên, học sinh sử dụng xe buýt để đi học. Đây là đối tượng hành khách rất cần xe buýt đảm bảo lộ trình và biểu đồ giờ hành trình của xe buýt để có thể đến lớp đúng giờ.
Thường người ta hay chọn cái dễ làm trước cho quen rồi mới làm đến cái khó. Cũng nằm trên các tuyến xe buýt chuyên chở học sinh đi học có Xa lộ Hà Nội khá rộng, tại sao Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng không chọn tuyến đường này làm làn đường ưu tiên/dành riêng trước? Rút kinh nghiệm và cũng là để người dân “làm quen” với làn đường này, sau đó triển khai rộng rãi?
Cung cấp xe đạp miễn phí cho hành khách đi xe buýt
Ngày 23-4, Sở GTVT TPHCM cho biết, nhằm thu hút người dân sử dụng xe buýt, dự kiến quý 3 năm nay, sở sẽ thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm TP. Hành khách đi xe buýt có thể sử dụng xe đạp để di chuyển từ trạm xe buýt này sang các trạm khác. Về cách quản lý xe đạp công cộng, Sở GTVT đang làm việc với đơn vị tư vấn để bàn các phương án như dùng khóa điện tử để quản lý xe hoặc thẻ thông minh lưu thông tin hành khách. Hành khách có thể trả xe ở các trạm khác nhau, được miễn phí nếu sử dụng trong vòng một tiếng… Tuy có nhiều ý kiến ủng hộ song cũng có ý kiến cho rằng TP còn nhiều khó khăn về chỗ để xe, đường dành cho người đi xe đạp, mất xe…
Cũng nhằm thu hút hành khách đi xe buýt, Sở GTVT tổ chức lại mạng lưới, xây dựng đề án đầu tư xe buýt mới giai đoạn 2018-2020, nghiên cứu dùng xe từ 9 chỗ kết nối với xe buýt nhanh và metro... TP hiện có 142 tuyến xe buýt (gồm 107 tuyến có trợ giá), 54 tuyến vận chuyển công nhân, 141 trường tham gia chương trình đưa đón học sinh bằng xe đưa rước theo hợp đồng có trợ giá… Trong năm 2016, khối lượng vận tải hành khách công cộng tại thành phố đạt 576 triệu lượt (giảm 1,39% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm nay lượng người sử dụng xe buýt tăng trở lại - đạt 137,5 triệu lượt (tăng 2,1% so với cùng kỳ). Thời gian qua, thành phố đã thay mới 839 xe để nâng cao chất lượng phục vụ.
Như tôi đã nói ở trên, mục tiêu của việc làm làn đường ưu tiên/dành riêng cho xe buýt là để xe buýt đảm bảo lộ trình và biểu đồ giờ hành trình của xe buýt. Xa lộ Hà Nội khá thông thoáng, xe buýt hoạt động thuận lợi, tại sao phải làm làn đường ưu tiên/dành riêng? Cũng phải nói thêm rằng, 2 tuyến đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ quá tải nhưng lại chạy qua khu vực được quy hoạch phát triển đô thị như ô bàn cờ với nhiều tuyến đường có thể chia tải cho 2 tuyến đường này. Chúng tôi sẽ nghiên cứu tổ chức lại giao thông trong khu vực khi tiến hành làm làn đường ưu tiên/dành riêng cho xe buýt ở đây. Một trong những phương án tổ chức giao thông mà chúng tôi đang hướng tới là hướng người dân sử dụng các tuyến đường xung quanh 2 đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ khi 2 tuyến đường này bị thu hẹp lại do dành một làn ưu tiên/dành riêng cho xe buýt.
Như vậy, công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân đi lại khi triển khai làm làn đường ưu tiên/dành riêng cho xe buýt rất quan trọng…?
Đúng vậy. Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng đang nghiên cứu phối hợp với các cơ quan truyền thông triển khai nhiều hình thức đưa thông tin về điều chỉnh giao thông đến với người dân như công bố công khai lộ trình đi lại trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên web của Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng, trên các mạng xã hội…
Sự thay đổi này ban đầu sẽ ảnh hưởng đến tình hình giao thông trên tuyến do làm thay đổi thói quen đi lại của người dân, sự chấp hành quy định không đi vào làn đường dành riêng/ ưu tiên cho xe buýt của các loại phương tiện khác... Tuy nhiên, để góp phần vào phát triển vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng nhằm giảm ùn tắc và TNGT, Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách công cộng rất mong người dân thành phố ủng hộ, phối hợp trong việc chủ động chọn lộ trình thay thế hợp lý trong những cung giờ cao điểm và chấp hành tốt theo tổ chức phân luồng giao thông và sự điều hành của lực lượng chức năng. Chúng tôi cũng luôn lắng nghe các ý kiến góp ý để việc tổ chức làn đường ưu tiên/dành riêng cho xe buýt thành công.