Xe lửa góp phần gây ách tắc giao thông

Bên cạnh những mặt tích cực, xe lửa chạy xuyên trong nội đô thành phố cũng có những bất tiện, một trong số đó là vô tình trở thành tác nhân gây ùn tắc giao thông.
 Phương tiện giao thông dừng lưu thông để xe lửa chạy qua Ảnh: thành trí
Phương tiện giao thông dừng lưu thông để xe lửa chạy qua Ảnh: thành trí
Ùn tắc giờ cao điểm
Số liệu thống kê mới nhất từ ngành chức năng cho thấy, địa bàn TPHCM hiện có tổng cộng 26 đường ngang xe lửa; trong đó, 21 đường ngang có nhân viên của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trực gác, 5 đường ngang chỉ tổ chức phòng vệ theo hình thức cảnh báo tự động hoặc cần chắn tự động và không còn đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt.
Nhìn chung vẫn còn nhiều tồn đọng chung quanh hệ thống đường sắt, liên quan đến an toàn chạy tàu và an toàn tại các khu dân cư nơi đường sắt chạy ngang qua. Hình ảnh quen thuộc, dễ thấy tại các đường ngang xe lửa trên địa bàn thành phố vào nhiều thời điểm trong ngày, đó là việc phương tiện đang lưu thông trên đường bộ phải dừng lại để nhường quyền ưu tiên cho xe lửa chạy qua. Vào các giờ cao điểm buổi sáng và chiều thì nguy cơ ùn tắc giao thông sau khi xe lửa đi qua rất cao. Đây là một trong những bất tiện tiêu biểu của tình trạng xe lửa chạy xuyên nội thành.
Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng người dân thường đổ rác thải, xà bần dọc theo hành lang an toàn giao thông đường sắt. Hành động thiếu ý thức này vừa làm mất an toàn chạy tàu, vừa gây ô nhiễm môi trường. Tương tự là tình trạng người dân lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt để buôn bán kinh doanh tự phát, mất trật tự an toàn chạy tàu.
Trong 11 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt. Các vụ tai nạn này có cùng nguyên nhân do người dân tự ý leo qua hàng rào bảo vệ đường sắt, dẫn đến sự cố.
Cũng có vấn đề tồn tại xảy ra do chính hệ thống tổ chức vận hành của ngành đường sắt. Tình trạng phóng uế “vô tư” từ trên xe lửa xuống đường ray là ví dụ. Thực trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm dù hậu quả của việc phóng uế bừa bãi ấy đã gây ô nhiễm môi trường sống, có nguy cơ phát tán dịch bệnh giữa các vùng, miền.
Ngoài ra, nhiều nơi cỏ dại mọc um tùm hai bên đường ray xe lửa làm khuất tầm nhìn của các phương tiện đường bộ, từ đó nguy cơ cao xảy ra mất an toàn giao thông…
Xác định trách nhiệm
Việc đảm bảo trật tự an toàn hành lang đường sắt trên địa bàn thành phố đòi hỏi phải có sự chung tay, chung sức của nhiều đầu mối; đặc biệt là phía quản lý đường sắt và chính quyền địa phương - nơi có tuyến đường sắt đi qua.
Chính trong cách nhìn này, phần việc của mỗi bên liên quan sẽ được xác định rõ ràng và dễ dàng. Bấy giờ ngành đường sắt sẽ đảm trách những việc như đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống gác chắn tại các vị trí đường ngang trên địa bàn, mở rộng các đường ngang để đảm bảo đồng bộ bề rộng đường bộ hai bên, xây dựng hàng rào bê tông cốt thép, có phương án đầu tư thiết bị vệ sinh tự hoại trên các đoàn tàu…
Phần việc quan trọng và trước mắt của Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn là nhanh chóng tiến hành công tác dọn dẹp vệ sinh bên trong hành lang an toàn đường sắt; khắc phục các đoạn hàng rào bị hư hỏng; thường xuyên duy tu sửa chữa hệ thống đường sắt, đảm bảo trật tự an toàn chạy tàu trên toàn địa bàn. Đặc biệt, đã đến lúc ngành đường sắt cần bàn bạc với các bên liên quan để xây dựng lại thời biểu chạy tàu, sao cho khi tàu đến hoặc đi từ ga Sài Gòn phải tránh được giờ cao điểm sáng và chiều, giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Trong khi đó, chính quyền các địa phương có đường sắt chạy qua như các quận: 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức có trách nhiệm lắp đặt hệ thống cọc tiêu, biển báo đang thiếu tại các vị trí giao nhau giữa đường sắt và đường bộ và làm đầu mối vận động, tuyên truyền người dân sống trong khu vực không đổ rác bừa bãi, lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt để buôn bán.
Các địa phương cũng cần lưu ý những vị trí thắt cổ chai tại điểm giao cắt với đường sắt, giải quyết tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt… Riêng quận Bình Thạnh sớm hoàn thành dự án xây dựng đường nối từ giao lộ Nơ Trang Long - Nguyễn Xí và đường trục Khu dân cư Bình Hòa (thuộc phường 13) để đóng 2 đường ngang không có người gác tại vị trí Km 1719 + 630 và Km 1720 + 015.
Tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - TPHCM, đoạn đi qua địa phận thành phố, có điểm đầu tuyến tại Km 1712+205 (ranh giới giữa tỉnh Bình Dương với TPHCM) và kết thúc tại ga Sài Gòn. Chiều dài tuyến đường sắt chạy qua địa giới hành chính thành phố hơn 14km, đi qua 19 phường thuộc 5 quận: 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức. Trong số này, Phú Nhuận là quận có chiều dài đáng kể nhất khi tuyến đường sắt đi qua 7 phường.

Tin cùng chuyên mục