Xe quá tải tái xuất

Sau thời gian im ắng, hiện xe quá khổ, quá tải trên địa bàn Nghệ An đã hoạt động rầm rộ trở lại. Có những trường hợp khi bị truy đuổi, tài xế bỏ xe “chạy lấy người”, nhiều xe chưa nộp phạt cũ lại tái phạm chở vượt tải từ 100% - 259%… Thực trạng này đang khiến các tuyến đường như đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 7, quốc lộ 48… bị hư hỏng, mất an toàn giao thông.
Xe quá tải tái xuất

Sau thời gian im ắng, hiện xe quá khổ, quá tải trên địa bàn Nghệ An đã hoạt động rầm rộ trở lại. Có những trường hợp khi bị truy đuổi, tài xế bỏ xe “chạy lấy người”, nhiều xe chưa nộp phạt cũ lại tái phạm chở vượt tải từ 100% - 259%… Thực trạng này đang khiến các tuyến đường như đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 7, quốc lộ 48… bị hư hỏng, mất an toàn giao thông.

“Vô tư” tái phạm

Có mặt tại tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn từ ngã tư Đông Hiếu - thị xã Thái Hòa đến xã Nghĩa Bình - huyện Tân Kỳ) những ngày cuối tháng 8, chúng tôi chứng kiến nhiều xe quá khổ, quá tải hoạt động rầm rộ trở lại. Anh Nguyễn Duy Thủy ở xã Nghĩa Lộc (huyện Nghĩa Đàn) bức xúc: “Mấy tháng gần đây, nhiều xe chở cát quá tải vô tư hoạt động. Các xe này không được che chắn hoặc che chắn sơ sài khiến cát rơi vung vãi, bụi bay mù mịt. Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày có hàng trăm xe của các đơn vị vận tải như: Anh Tuấn, Phương Từ, Nam Quỳnh Mỹ, Thành Công, Vinh Sơn… thay nhau chạy cả ngày lẫn đêm, đặc biệt vào thời điểm giữa trưa và đêm khuya. Các xe này phần lớn đến lấy cát tại các mỏ ở xã Nghĩa Bình (huyện Tân Kỳ) và xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Long (huyện Nghĩa Đàn), sau đó chạy theo đường Hồ Chí Minh xuống quốc lộ 48, ra quốc lộ 1A để đến các điểm tập kết (trong đó chủ yếu về cảng Nghi Sơn - Thanh Hóa). Hiện ở các xã trên có 8 mỏ cát lớn và các chủ mỏ đã thành lập Hiệp hội cát Nghĩa Bình. Hiệp hội này liên kết với các đơn vị vận tải phân chia việc chở cát, cứ 4 mỏ hoạt động ngày chẵn còn 4 mỏ hoạt động ngày lẻ.

Xe quá khổ, quá tải hoạt động trên quốc lộ 48 (Nghệ An).

Ngày 14-8, trên đường Nguyễn Văn Trỗi (huyện Hưng Nguyên), Thanh tra giao thông (Sở GTVT Nghệ An) phát hiện 6 xe chở cát vun quá thành thùng xe. Ngày 17-8, lực lượng này kiểm tra 7 xe chở cát khác ở địa bàn xã Minh Sơn (huyện Đô Lương) và phần lớn đều vi phạm với lỗi tương tự, trong đó có 2 xe vượt quá tải trọng cho phép trên 100%. Khoảng 9 giờ ngày 19-8, trên quốc lộ 7 (cách Bến xe huyện Đô Lương chừng 5km), Thanh tra giao thông ra hiệu dừng xe chở cát BKS 37C-080.12. Xuống xe, tài xế chỉ xuất trình được 2 biên bản xử phạt cũ với lỗi chở quá chiều cao cho phép, còn giấy tờ xe vẫn đang bị cơ quan chức năng tạm giữ vì chưa nộp phạt. Tại Bến xe huyện Đô Lương, sau khi lên bàn cân, xe này quá tải trọng cho phép 117%. Khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, lực lượng này tiếp tục dừng 2 xe chở cát chạy trên quốc lộ 7, phát hiện chở quá tải từ 112% - 259%. Hai xe này cũng chưa nộp xong phạt cũ đã tiếp tục tái phạm. Theo một cán bộ Thanh tra giao thông, thậm chí có những xe khi bị bắt không còn giấy tờ gì vì đã bị tạm giữ trước đó, nên Thanh tra giao thông chỉ còn cách giữ… biển số xe.

Chưa xử lý được vì lực lượng mỏng

Thanh tra giao thông tỉnh Nghệ An cho biết, qua 7 tháng đầu năm 2015, lực lượng này đã xử phạt 2.426 trường hợp xe vi phạm quá khổ, quá tải, tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe với tổng số tiền phạt trên 10,5 tỷ đồng. Có 1.213 trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng và buộc hạ tải 1.835 tấn hàng hóa. Tuy nhiên, một lãnh đạo Thanh tra giao thông cho biết, khó nhất trong việc xử lý xe quá khổ, quá tải là các tài xế bất hợp tác với lực lượng chức năng. Chủ các xe này thường thiết lập một “mạng lưới” ngầm, khi một xe bị bắt thì ngay lập tức các xe khác thông báo cho nhau ngừng hoạt động hoặc tìm cách đối phó. Trong khi đó “lực lượng thanh tra quá mỏng cũng là nguyên nhân khiến xe quá tải, quá khổ vẫn tồn tại”, một lãnh đạo Thanh tra giao thông Nghệ An “nhắc lại” điệp khúc cũ.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục