Năm 2007, đường mới Đà Lạt – Nha Trang thông tuyến, rút ngắn khoảng cách giữa hai thành phố du lịch. Nhưng cũng từ khi con đường mở ra, tình trạng phá rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đa Nhim (thuộc địa phận huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) ngày một nóng.
Đường rộng, rừng hẹp
Chỉ cần rời Đà Lạt chừng vài chục cây số về hướng Bắc theo đường mới Đà Lạt – Nha Trang (phía Lâm Đồng gọi là đường ĐT 723) đến các xã Đạ Sar và Đa Nhim, dễ dàng bắt gặp cảnh rừng đầu nguồn bị xâm hại. Nhiều khoảnh thông ba lá hàng chục năm tuổi bị đốn hạ hoặc ken gốc cho chết đứng để lấy đất trồng cà phê, tạo thành những vạt rừng da beo loang lổ. Tại tiểu khu 117 (xã Đạ Sar), nhiều cây thông đường kính hơn 50cm bị đốn hạ, cắt thành khúc nằm ngổn ngang ngay bên đường lớn mới mở.
Theo một cán bộ bảo vệ rừng địa bàn của Ban quản lý rừng phòng hộ Đa Nhim, số thông này do một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ cưa đổ tháng trước để lấy đất làm rẫy. Chỉ tính vụ này, đã có 25 cây thông ngã xuống. Men theo những con đường mòn rẽ ngang vào sâu hơn một chút (thuộc tiểu khu 144), xuất hiện hàng loạt vườn rau xanh tốt trên vùng đất trước đây có rừng phòng hộ.
Ông Phạm Triều, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, cho biết, khu vực này có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi nên người dân phá rừng làm vườn rẫy. Từ khi đường mới mở ra, đất ven đường lên giá, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để sang nhượng càng phức tạp hơn. Không chỉ người dân tại chỗ, còn nhiều người từ Đà Lạt cũng vào đây mua đất trồng rau, nhiều lúc chỉ cần trúng một vụ là trả đủ tiền đất. Theo thống kê từ năm 2005 đến đầu năm 2011, huyện Lạc Dương xảy ra trên 1.140 vụ vi phạm lâm luật (chủ yếu tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim) với diện tích rừng bị xâm hại trên 165ha, trong đó chỉ 78 vụ phát hiện được đối tượng, còn lại vắng chủ.
Đất rừng, ai mua tôi bán...
Trong vai người đi tìm mua đất làm rẫy, chúng tôi la cà tại một quán cà phê cóc ở trung tâm xã Đạ Sar. Sau một hồi dò hỏi, chúng tôi được giới thiệu gặp người đàn ông tên La. “Ở đây đất loại nào cũng có, các anh cần đất giá nào để tui đưa đi giới thiệu. Mua được thì trích phần trăm cho tui chứ tui không có đất bán?” - ông La nói. “Cò” đất này thêm: Có rẫy cà phê 5 sào đang thu hoạch cách đây 2km, giá 300 triệu đồng. Một rẫy cà phê mới trồng, cách trung tâm xã 5km, giá 40 triệu đồng/sào… Chúng tôi hỏi thủ tục giấy tờ, ông La cho biết: Đất ở đây chỉ sang giấy tay, có công chứng mua bán của xã, cứ làm thoải mái, không sợ tranh chấp gì. “Thế còn đất rẫy mới phát?”, chúng tôi hỏi và được ông La khuyên: “Loại đó chỉ 15 đến 20 triệu đồng/sào. Nhưng là đất rừng nên chạy lo thủ tục giấy tờ cũng tốn khẳm tiền”.
Không chỉ người dân lấn chiếm đất để sang nhượng trái phép mà cả doanh nghiệp thuê đất rừng làm dự án cũng ngang nhiên cắt đất bán. Đơn cử trường hợp doanh nghiệp Duy Hà được tỉnh Lâm Đồng cho thuê 53,8ha đất tại tiểu khu 114 (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương) để triển khai dự án sản xuất nông - lâm nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi gia súc, trồng khảo nghiệm một số loài cây, hoa đặc hữu của Đà Lạt kết hợp quản lý bảo vệ rừng. Sau khi nhận đất rừng, doanh nghiệp này đã viết giấy tay bán một phần đất dự án cho người dân.
Theo phản ánh của ông Đàm Trung Hoàng (trú tại phường 12, TP Đà Lạt), vào tháng 4-2010, vợ chồng chủ doanh nghiệp Duy Hà là ông Phan Ngọc Duy và bà Nguyễn Thị Thu Hà đã viết giấy tay bán cho ông 5 sào đất tại khu vực Bãi Sậy (tiểu khu 114) với giá 412 triệu đồng. Phía chủ đất yêu cầu ông đặt tiền cọc 100 triệu đồng và hứa sẽ tách sổ đỏ nhưng chờ cả năm trời không thấy. Về sau mới biết khu vực đó thuộc đất dự án…
Mất rừng vì “ham” dự án
Doanh nghiệp Duy Hà chỉ là một trong số hàng loạt doanh nghiệp vi phạm quy định về quản lý bảo vệ rừng tại huyện Lạc Dương. Sau khi tuyến đường mới xuyên rừng phòng hộ Đa Nhim thông tuyến, nhiều doanh nghiệp đã đến đăng ký đầu tư thực hiện các dự án liên quan đến du lịch sinh thái dưới tán rừng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi gia súc và cá nước lạnh. Trong 4 năm qua, chủ yếu 2 năm 2007 và 2008, đã có trên 60 đơn vị được tỉnh Lâm Đồng cho triển khai dự án liên quan đến đất rừng với diện tích hơn 9.000ha. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sau khi nhận đất rừng, không những chậm triển khai mà còn để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
Theo kết quả đợt kiểm tra giữa tháng 4-2011 của huyện Lạc Dương, có đến 19 dự án sau khi nhận bàn giao đất rừng đã để xảy ra lấn chiếm hơn 36ha đất rừng và phá rừng gây thiệt hại trên 160m³ gỗ. Trong đó, nghiêm trọng nhất tại diện tích đất rừng giao cho Công ty Thành Văn (thuộc khu nông nghiệp công nghệ cao). Tính đến đầu năm 2011, chỉ sau gần 1 năm, doanh nghiệp này đã để trên 400 cây thông bị đốn hạ hoặc ken gốc, đổ hóa chất vào gốc cho chết đứng. Nhiều công ty khác nhận dự án tại khu vực rừng đầu nguồn Đa Nhim cũng nằm trong “sổ đen” vì để mất nhiều rừng như: Thành Phong, Chìa Khóa Vàng, Thành Nam, Tài Tín…
Theo ông Phạm Triều, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, những vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng hầu hết xảy ra tại các dự án chậm triển khai. Để chấn chỉnh tình trạng này, huyện Lạc Dương vừa đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi 3 dự án của các công ty Khánh Bích, Quang Minh và Miền Nhiệt Đới vì chậm triển khai và để xảy ra phá rừng. 3 doanh nghiệp khác bị buộc bồi thường gần 1,8 tỷ đồng vì để mất rừng, trong đó Công ty Thành Văn phải bồi thường trên 1 tỷ đồng.
NAM VIÊN