Xem xét lại chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước

Tại hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức mới đây nhằm công bố kết quả nghiên cứu: “Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2011 - 2020 và đề xuất phương hướng giải pháp cho giai đoạn 2021 - 2030”, các chuyên gia đã nêu nhiều ý kiến mang tính tổng kết giai đoạn cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong 10 năm qua.

 Đáng lưu ý, theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, cần phải xem xét lại chức năng, vai trò và nhiệm vụ của DNNN trong nền kinh tế. “Chẳng hạn nói DNNN có vai trò ổn định kinh tế vĩ mô là chưa hợp lý”, TS Nguyễn Đình Cung nói. Ông Cung phân tích, khi DNNN được dùng làm công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, thì đương nhiên sản phẩm, hàng hóa của DNNN không theo cơ chế của thị trường. Giá có xu hướng lên, thì DNNN phải kìm giá, còn khi giá xuống thì lại phải đẩy giá lên. “Giá cả cứ bị “ổn định” như vậy là vô lý, không theo cơ chế thị trường”, TS Nguyễn Đình Cung nhận định.

Và như vậy, chẳng những DNNN bị “đè nén, đảo lộn” mà tín hiệu thị trường cũng bị sai lệch và DNNN luôn đứng trước nguy cơ bị thua lỗ. Những khoản thua lỗ đó, thực ra cuối cùng cũng là ngân sách phải bù vào và người tiêu dùng phải gánh. TS Cung khẳng định và đề nghị bỏ chức năng “công cụ ổn định kinh tế vĩ mô của DNNN”. Vẫn theo chuyên gia này, cải cách đầu tiên là buộc DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, không gò bó, tức là DNNN được quyền tự chủ kinh doanh trong phạm vi, mục đích mà chủ sở hữu đặt ra chứ không nên hành chính hóa hoạt động của DNNN như hiện nay. Về công tác nhân sự, ông Cung kiến nghị: “Hãy giao cho DNNN những nhiệm vụ đủ cao để chỉ người tài mới làm được. Đừng giao những nhiệm vụ thấp để ai cũng có thể hoàn thành. Bởi giao những nhiệm vụ thấp thì chỉ có “con ông cháu cha” mới vào được DNNN thôi. Và chúng ta đã nhìn thấy thực trạng ấy”.

Bày tỏ quan tâm đặc biệt đến tiến trình cổ phần hóa (CPH), TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh, quá trình CPH vừa qua chưa đạt được mục tiêu mong muốn vì chưa thực chất. “Khái niệm CPH mong manh đến mức có doanh nghiệp chỉ bán 1% cổ phần, cũng được coi là CPH xong. Thế thì chỉ là động tác giả, chứ làm sao chuyển đổi nguồn lực, thay đổi cấu trúc sở hữu doanh nghiệp và quản trị được. Cho nên tại sao chúng ta CPH nhanh nhưng chuyển đổi sở hữu chỉ 5% - 7%”, TS Trần Đình Thiên bình luận.

Trình bày báo cáo về DNNN, công trình của nhóm nghiên cứu CIEM, TS Nguyễn Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp CIEM cũng cho rằng, trong giai đoạn tới, không cần thiết phải xác định DNNN là “lực lượng vật chất chủ yếu của kinh tế nhà nước” cũng như sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường. Bên cạnh kiến nghị hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đối với DNNN để đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế, theo TS Trung, chỉ nên giữ lại hình thức doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với một số đơn vị như các nhà xuất bản, nhà máy in tiền quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Trung tâm lưu ký chứng khoán...

Vẫn theo nghiên cứu của CIEM, trong tổng thu NSNN, thu từ DNNN năm 2011 đạt 17,5% (không tính lợi nhuận, cổ tức nộp NSNN và thu từ dầu thô), năm 2012 là 19,4%, năm 2013 là 22,8%, năm 2014 là 21,4%, năm 2015 là 15,7%, năm 2016 là 13,5%, năm 2017 là 11,4%, năm 2018 ước tính đạt 10,7%. Tính đến năm 2019, có khoảng 4,5 triệu người làm việc thường xuyên cho các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nhà nước (chiếm 8,3% tổng số lao động trên 15 tuổi của nền kinh tế).

Tin cùng chuyên mục