Xét tuyển nguyện vọng 2,3 – Cần thận trọng để nâng cao cơ hội trúng tuyển

Ông cho biết:
Xét tuyển nguyện vọng 2,3 – Cần thận trọng để nâng cao cơ hội trúng tuyển

(SGGPO). -  Ngay sau khi Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố điểm sàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Bùi Văn Ga đã dành cho báo chí cuộc trao đổi về các vấn đề liên quan. Ông cho biết:

Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Bùi Văn Ga trả lời phỏng vấn của báo chí

Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Bùi Văn Ga trả lời phỏng vấn của báo chí

- Năm nay, tổng cộng số thí sinh dự thi khoảng trên 1.900.000 em, chỉ tiêu tuyển là khoảng 550.000 em. Với điểm sàn đã công bố, số thí sinh không đạt điểm sàn còn khá nhiều. Như vậy, các em còn lại sẽ xét tuyển vào học hệ khác, như trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Chỉ tiêu ở các trường nghề, Trung cấp chuyên nghiệp rất lớn... Đó là sự phân luồng trong đào tạo.

Số nguồn để tuyển NV2, NV3 năm nay lớn. Theo tính toán, cứ 3 em trên điểm sàn nếu nộp hồ sơ và đồng ý vào các trường còn chỉ tiêu thì 1 em sẽ bị rớt.

Phóng viên: Kết quả điểm thi khối C thấp nhưng điểm sàn vẫn không thay đổi so với 2 năm trước?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Thực ra tổng hợp chung của điểm thi khối C có những môn điểm tốt như văn và địa, nên điểm sàn của khối C tập trung vào số lượng điểm trung bình rất cao, vì thế điểm sàn có thay đổi so với năm ngoái.

* Với điểm sàn này, các trường ngoài công lập khó khăn tuyển sinh?

* Khi xác định điểm sàn, bộ đã tổng hợp tất cả các thông tin liên quan tới kết quả tuyển sinh, kết quả thi của thí sinh từng tỉnh, các vùng miền. Với kết quả này, bộ tính toán số dư dôi rất lớn giữa số lượng thí sinh trên và dưới sàn.  Vì thế hoàn toàn bảo đảm nguồn tuyển cho các trường.

Về sự dịch chuyển của thí sinh giữa các vùng miền, Bộ đã thống kê nếu các thí sinh của vùng miền đó không trúng tuyển ở thành phố lớn mà quay về các vùng miền thì số thí sinh trên sàn lớn hơn số chỉ tiêu của vùng đó, lấp đầy chỉ tiêu các trường. Trên cơ sở mức điểm của thí sinh ở vùng miền, kể cả vùng có số lượng thí sinh điểm thấp nhiều như Tây Bắc, ĐBSCL thì với điểm sàn này, nếu thí sinh của các vùng này không trúng tuyển ở thành phố lớn, quay về nộp nguyện vọng 2, 3 các trường trong khu vực thì vẫn còn dư so với chỉ tiêu.

Ví dụ như ở ĐBSCL, nếu thí sinh không trúng tuyển NV1 ở TPHCM, quay về sẽ gấp đôi số chỉ tiêu các trường ở khu vực này. Đối với phía Bắc, nếu thí sinh thi khối B quay về thì dư gấp 10 lần; các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, thí sinh khối A dư gấp 20 lần số lượng trúng tuyển…

Như vậy chúng ta không lo tới việc thí sinh ở Hà Nội phải lên Tây Bắc học hay thí sinh ở TPHCM phải về ĐBSCL mà số thí sinh trên sàn của từng địa bàn đều dư nhiều so với chỉ tiêu. Nhất là năm nay bộ cho phép rút hồ sơ nguyện vọng 2,3 trong vòng 15 ngày thì việc các trường thiếu nguồn tuyển là khó xảy ra. Thí sinh cần theo dõi thông tin tuyển NV2,3 của các trường để quyết định việc rút hay không rút hồ sơ, nâng cao cơ hội trúng tuyển của mình.

Còn nếu các trường lo lắng thí sinh không nộp hồ sơ thì  cần hiểu, ngay cả việc dư chỉ tiêu, nhưng thí sinh không nộp vào do trường là do trường đó chưa có uy tín, chưa có sức hút với xã hội. Tôi khẳng định, nguồn tuyển còn dư thừa rất nhiều.

* Năm nay, chắc chắn nhiều trường sẽ xin vận dụng điều 33 để giãn điểm tuyển, thưa ông?

* Theo quy chế tuyển sinh, những vùng, ngành khó tuyển được phép vận dụng điều 33. Khi vận dụng, khoảng cách giữa các khu vực sẽ là 1 điểm thay vì nửa điểm như quy định chung. Như vậy khoảng cách từ khu vực 1 đến khu vực 3 là 3 điểm. Ví dụ với khối A, sàn là 13 nhưng nếu được vận dụng điều 33 thì 10 điểm vẫn có thể đỗ Đại học.

 * Ông bình luận gì về đề xuất hạ điểm sàn của trường ngoài công lập?

* Họ đề xuất xác định điểm sàn hợp lý để các trường ngoài công lập có nguồn tuyển dồi dào hơn. Bộ đã xem xét ý kiến đó. Tuy nhiên, như tôi đã nói, Bộ xác định điểm sàn dựa trên nhiều yếu tố và đã bảo đảm dư thừa nguồn tuyển ở tất cả các vùng miền.

Hiện nay việc thi theo phương thức “ba chung” không phải trường chỉ lấy thí sinh thi trường mình, mà còn lấy thí sinh thi trường khác để đủ chỉ tiêu. Các trường chưa đủ NV1 có thể lấy NV2, 3 từ nguồn thí sinh của trường khác nhưng phải thông báo công khai. Theo chủ trương mới của Bộ là năm nay, các trường tuyển NV2,3 phải công khai thông tin hàng ngày, điều này giúp thí sinh biết trường nào còn chỉ tiêu bao nhiêu để dồn về. Điều quan trọng là các trường phải quảng bá và dạy cho tốt để thu hút thí sinh, tạo sự cạnh tranh giữa các trường để nâng cao chất lượng. Năm nay tuyển ít nhưng nếu trường tạo thương hiệu tốt thì sinh viên sẽ quảng bá cho nhau, năm sau thí sinh sẽ tăng lên.

* Việc tuyển sinh NV2,3 năm nay có thể có tiêu cực, “vượt rào” vì mức độ cạnh tranh gay gắt, Bộ có giải pháp gì?

* Chủ tịch hội động tuyển sinh của trường có trách nhiệm về tuyển nguyện vọng 2 và 3. Chủ tịch hội đồng tuyển sinh chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc tuyển đúng đối tượng, đúng quy chế. Nếu sai sẽ bị xử lý theo quy chế tuyển sinh.

*Trong năm 2012, có đổi mới tuyển sinh không, thưa Thứ trưởng?

* Hiện bộ đang nghiên cứu quy trình đổi mới tuyển sinh, làm cho việc tuyển sinh ngày càng nhẹ nhàng, hiệu quả thiết thực. Chủ trương chung là như thế còn giải pháp kĩ thuật làm cho nhẹ nhàng, làm thế nào cho hiệu quả thì các chuyên gia của Bộ và các trường đang bàn tính chuyện này.

*Xin cảm ơn ông!

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục