Xét xử công tâm, đúng pháp luật thì không có gì phải sợ ​

Vụ án liên quan đến bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục là chủ đề sôi nổi bên hành lang kỳ họp Quốc hội. ĐBQH, Luật sư Trương Trọng Nghĩa đưa ra quan điểm: “Nếu như tôi là thẩm phán, tôi có quyết định khác những gì báo chí nêu mà tôi thấy rằng tôi quyết định như vậy là hoàn toàn đúng, thì tôi không sợ gì cả”.
ĐBQH, Luật sư Trương Trọng Nghĩa
ĐBQH, Luật sư Trương Trọng Nghĩa

Phát biểu của Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhằm phản hồi ý kiến của ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình). ĐB Sinh cho rằng việc các đại biểu Quốc hội phát biểu nhiều trên báo chí có thể gây sức ép lên phiên tòa, ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của tòa án. Tuy nhiên LS Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc đại biểu nêu ý kiến và sự độc lập của tòa khi xét xử là không mâu thuẫn nhau.

Ông Trương Trọng Nghĩa nói: “Đại biểu Quốc hội thấy cử tri có tâm tư gì, hay thậm chí chính mình cũng băn khoăn về việc đó, thì cần nêu lên để cơ quan hành pháp, tư pháp nghiên cứu, xem xét, nhất là trong các kỳ họp. Còn các ngành tư pháp cứ bình tĩnh thôi. Nếu mình làm việc khách quan, công bằng, đầy đủ trách nhiệm; cán bộ mình trong sạch vô tư, thì đâu có việc gì phải sợ? Cứ nói rằng chúng tôi lắng nghe hết và chúng tôi cam kết phán xét một cách công minh, theo pháp luật, bảo đảm công lý. Đâu có đại biểu Quốc hội nào ra lệnh cho Chánh án phải tha ông ấy đi hay bỏ tù ông ấy đi (…) Tôi cho đây là cơ hội rất tốt cho các lãnh đạo ngành tư pháp, nhất là Chánh án tòa án tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh (Hòa Bình), là những người quyết định bản án đó sẽ như thế nào, thì họ lắng nghe được là quá tốt, kể cả những gì báo chí nêu”.

Đặc biệt, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Nếu như tôi là thẩm phán mà tôi có quyết định khác những gì báo chí nêu mà tôi cho rằng tôi quyết định như vậy là hoàn toàn đúng thì tôi không sợ gì cả”. Tuy nhiên, theo ĐB, vấn đề của Hội đồng xét xử là phải giải thích được vì sao mình xét xử như vậy bằng hồ sơ, chứng cứ và bằng pháp luật. Nhiệm vụ của tòa sơ thẩm là phải tập trung làm đúng như chức trách và luật pháp đòi hỏi họ. Luật pháp cũng cho phép nếu như qua công luận phản ánh mà tòa thấy được những chứng cứ có trong tay có vấn đề thì hoàn toàn có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Hay viện kiểm sát cũng hoàn toàn có thể đề xuất, vì viện kiểm sát có chức năng kiểm sát việc thi hành pháp luật, là nơi vừa buộc tội vừa gỡ tội.

Bên cạnh đó, vị ĐBQH, đồng thời là luật sư kỳ cựu cũng lưu ý “báo chí cũng chỉ nên giữ vai trò phản ánh chứ không nên kết luận, vì ở bên ngoài không tiếp cận được hết hồ sơ. Nếu báo chí nắm được tình tiết mới thì nên công bố để cơ quan chức năng xem xét”.

Tin cùng chuyên mục