Xét xử phúc thẩm vụ "Chai nước ngọt có ruồi"

Hôm nay 8-9, TAND Cấp cao tại TPHCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ bị cáo Võ Văn Minh (36 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) “tống tiền” Công ty Tân Hiệp Phát.
Xét xử phúc thẩm vụ "Chai nước ngọt có ruồi"

>> Xét xử vụ án đổi chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng: Nhà sản xuất chỉ yêu cầu xin lỗi
>> Vụ bán chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng: Giao dịch dân sự hay cưỡng đoạt tài sản?
>> Vụ đổi chai nước ngọt có ruồi: Võ Văn Minh bị đề nghị 12-13 năm tù
>> Vụ đổi chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng: Võ Văn Minh lãnh 7 năm tù
>> Vụ đổi chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng: Dư luận trái chiều qua bản án 7 năm tù

(SGGPO).- Hôm nay 8-9, TAND Cấp cao tại TPHCM đưa ra xét xử phúc thẩm vụ bị cáo Võ Văn Minh (36 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) “tống tiền” Công ty Tân Hiệp Phát.

Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang, vào ngày 3-12-2014, bị cáo Minh lấy chai Number One (sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát) để bán cho khách, phát hiện con ruồi bên trong chai nên cất giấu dưới bàn để không ai phát hiện. Ngày 5-12-2014, bị cáo Minh gọi điện cho Công ty Tân Hiệp Phát, đề nghị công ty giao 1 tỷ đồng để đổi lấy chai nước có con ruồi và sự im lặng.

Bị cáo Võ Văn Minh tại phiên xử phúc thẩm lần trước

Ban Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát lo sợ và đã phân công nhân viên đến gặp bị cáo Minh 3 lần để giải quyết, các lần này đều được lập biên bản. Đến ngày 27-1-2015, phía Công ty Tân Hiệp Phát tiếp tục cử nhân viên xuống giải quyết và đồng ý giao 500 triệu đồng cho bị cáo Minh. Hai bên giao nhận tiền có làm biên bản, bị cáo Minh đem số tiền trên bỏ vào mô tô thì bị công an bắt giữ.

Tháng 12-2015, TAND tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Võ Văn Minh mức án 7 năm tù giam về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Sau phiên xử, bị cáo Minh làm đơn kháng cáo kêu oan, cho rằng mình chỉ giao dịch dân sự với Công ty Tân Hiệp Phát chứ không có hành vi đe dọa cưỡng đoạt tài sản.

Vào ngày 30-6 vừa qua, TAND Cấp cao tại TPHCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Trong phần làm thủ tục, thư ký phiên tòa cho biết đại diện Công ty Tân Hiệp Phát, luật sư Nguyễn Tấn Thi (người bảo vệ quyền lợi  bị cáo Võ Văn Minh) và các nhân chứng vắng mặt. Do vậy, chủ tọa quyết định hoãn phiên tòa.

Tại phiên xử sáng nay, bị cáo Minh cho biết vẫn kháng cáo kêu oan.

Bị cáo Võ Văn Minh tại phiên xử sáng nay

Để phân tích làm rõ nội dung vụ án, hội đồng xét xử hỏi: "Giá bán chai nước ngọt Number One trên thị trường là bao nhiêu?", bị cáo Minh trả lời: "10.000 đồng".

- Vì sao giá chai nước ngọt chỉ có 10.000 đồng mà sau nhiều lần thương lượng, Công ty Tân Hiệp Phát đồng ý mua lại với giá 500 triệu đồng?

- Vì trong chai nước ngọt có xác con ruồi, Công ty Tân Hiệp Phát không muốn lộ thông tin ra ngoài.

- Nếu giao dịch trót lọt thì ai được lợi? Bị cáo, Công ty Tân Hiệp Phát hay người tiêu dùng?

- Công ty Tân Hiệp Phát được lợi sau khi mua được sự im lặng của bị cáo.

Đến đây, hội đồng xét xử phân tích: "Nếu bị cáo là người tiêu dùng thì phải đứng về phía người tiêu dùng. Cho rằng Công ty Tân Hiệp Phát có lỗi thì với nghĩa vụ công dân, bị cáo phải trình báo cơ quan bảo vệ người tiêu dùng về việc công ty sản xuất chai nước ngọt không đảm bảo chất lượng, vệ sinh; nhưng bị cáo đã lợi dụng việc này mặc cả với Công ty Tân Hiệp Phát để bán sự im lặng của mình. Xét về mặt đạo đức, bị cáo đúng hay sai?". Bị cáo trả lời rằng lúc đó không nghĩ ra được việc này.

Trong vụ án này, một trong những nghi vấn được đặt ra là liệu bị cáo Minh có bị Công ty Tân Hiệp Phát "gài bẫy", giả vờ đồng ý đưa tiền rồi báo công an bắt? Tham gia thẩm vấn, luật sư bào chữa cho bị cáo Minh một lần nữa đặt câu hỏi với đại diện Công ty Tân Hiệp Phát: "Vì sao lực lượng công an lại có mặt đúng lúc để bắt quả tang bị cáo Minh?".

Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát tại phiên tòa sáng nay

Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát trả lời: "Đó là do nghiệp vụ của công an, Công ty Tân Hiệp Phát không có ý kiến". Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm, bà Trần Ngọc Bích đại diện Công ty Tân Hiệp Phát cũng đã từ chối trả lời.

Tại phiên tòa hôm nay, đại diện Công ty Tân Hiệp Phát khẳng định công ty không có chủ trương dùng tiền đổi lấy sự im lặng của khách hàng có khiếu nại. Luật sư đặt câu hỏi: "Đại diện Viện kiểm sát xác định bị cáo Minh đã bán sự im lặng của mình lấy 500 triệu đồng, vậy việc Công ty Tân Hiệp Phát mua sự im lặng đó có đúng pháp luật không?". Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát thừa nhận: "Công ty sợ bị cáo Minh gây sự e ngại cho người tiêu dùng, từ đó gây thiệt hại cho công ty, làm mất uy tín của công ty".

Trong phiên xử buổi chiều, các luật sư đã lần lượt trình bày phần bào chữa cho bị cáo Minh. Theo các luật sư, việc quy kết bị cáo phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” là thiếu căn cứ, hành vi của bị cáo chưa gây ra hậu quả, đồng thời bị cáo không uy hiếp hay đe dọa Công ty Tân Hiệp Phát... Nói lời sau cùng, bị cáo Minh vẫn kêu oan, cho rằng mình không phạm tội.

Vào lúc 16 giờ 50 phút chiều nay, hội đồng xét xử đã tuyên án. Theo nhận định của hội đồng xét xử, căn cứ vào hồ sơ vụ án và lời khai nhận của bị cáo tại phiên tòa cho thấy bị cáo đã thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản, bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo là đúng người đúng tội, bị cáo kháng cáo kêu oan nhưng không có căn cứ để chấp nhận.            

Từ đó, hội đồng xét xử quyết định bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Võ Văn Minh mức án 7 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục