Xét xử phúc thẩm vụ tiêu cực tại Công ty Vifon

Ngày 12-5, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã tiến hành xét xử phúc thẩm vụ tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (viết tắt là Công ty Vifon). Sau phiên xử sơ thẩm, cả 5 bị cáo đều làm đơn kháng cáo kêu oan hoặc xin giảm nhẹ hình phạt.
Xét xử phúc thẩm vụ tiêu cực tại Công ty Vifon

(SGGPO).- Ngày 12-5, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã tiến hành xét xử phúc thẩm vụ tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (viết tắt là Công ty Vifon). Sau phiên xử sơ thẩm, cả 5 bị cáo đều làm đơn kháng cáo kêu oan hoặc xin giảm nhẹ hình phạt.

Xét xử phúc thẩm vụ tiêu cực tại Công ty Vifon ảnh 1

Các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm

Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2002 đến năm 2006, lợi dụng giai đoạn chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần, Nguyễn Bi (65 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Vifon) và Nguyễn Thanh Huyền (59 tuổi, nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Vifon) đã chỉ đạo, thực hiện hạch toán sai tài khoản, sai nguồn vốn, lấy tiền của Nhà nước và các cổ đông để đưa vào huy động vốn cho cá nhân, sau đó rút ra chiếm đoạt. Hành vi của hai bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước 14,6 tỷ đồng và cho các cổ đông gần 3,7 tỷ đồng.

Biết làm sai nguyên tắc nhưng do tin tưởng và chấp hành mệnh lệnh cấp trên, các bị cáo Đàm Tú Liên (53 tuổi, kế toán trưởng Công ty Vifon), Dương Thị Mẫn (67 tuổi, nguyên kế toán thanh toán Công ty Vifon), Ka Thị Thu Hồng (57 tuổi, nguyên thủ quỹ Công ty Vifon) đã có hành vi làm trái trong việc lập và ký nhiều chứng từ giả thu, giả chi, tạo điều kiện cho hai bị cáo Huyền, Bi chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

Tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 11-2013, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Huyền mức án chung 30 năm tù về hai tội “Tham ô tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Nguyễn Bi mức án chung 22 năm tù về hai tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cùng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Đàm Tú Liên lãnh 8 năm tù, bị cáo Dương Thị Mẫn lãnh 7 năm tù, bị cáo Ka Thị Thu Hồng lãnh 7 năm tù. Sau phiên xử sơ thẩm, 5 bị cáo làm đơn kháng cáo kêu oan hoặc xin giảm nhẹ hình phạt.

Sáng nay, hội đồng xét xử thẩm vấn làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Huyền. Bị tuyên mức án cao nhất trong vụ án, bị cáo Huyền kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không phạm tội vì vụ án không có nguyên đơn dân sự (tại phiên xử sơ thẩm, đại diện Bộ Công thương không đồng ý với tư cách nguyên đơn dân sự - PV), Nhà nước không bị thiệt hại, bị cáo không chiếm đoạt tiền.

Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, bị cáo Huyền khai rằng toàn bộ số tiền nhận từ thủ quỹ, bị cáo đã chuyển cho bị cáo Nguyễn Bi. Tuy nhiên, khi được mời lên chất vấn, bị cáo Nguyễn Bi phủ nhận lời khai này, cho rằng do tin tưởng bị cáo Huyền nên đã ký duyệt chi khống tiền thưởng và các giấy tờ liên quan trái pháp luật, không nhận tiền từ bị cáo Huyền.

Trước những lời khai đổ tội cho nhau, chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Huyền: “Bị cáo khai đưa tiền cho bị cáo Bi, nhưng bị cáo Bi phủ nhận, vậy ai phải chịu trách nhiệm? Bị cáo có giấy tờ gì chứng minh không?”. “Đó là nỗi oan của bị cáo”, bị cáo Huyền nói.

Trước những câu hỏi chủ tọa phiên tòa đặt ra về việc vì sao khi rút tiền ra lại đem đến nhà giám đốc giao, vì sao dùng tiền của công ty mua cổ phiếu nhưng khi bán cổ phiếu lại không giao tiền về cho thủ quỹ của công ty mà phải giao cho bị cáo Bi..., bị cáo Huyền không thể giải thích rõ ràng.

 Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.

ÁI CHÂN

>> Nguyên Tổng và Phó Tổng giám đốc VIFON lãnh 52 năm tù 

>> Nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty VIFON bị đề nghị 28 đến 30 năm tù

>> Vụ tiêu cực tại Công ty Vifon: Bộ Công thương không muốn làm nguyên đơn dân sự

>> Truy tố nguyên lãnh đạo Công ty Vifon

Tin cùng chuyên mục