Vụ giải thoát 32 người dân tộc thiểu số ở Phước Sơn (Quảng Nam)

Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đăk Lăk hỗ trợ gia đình Hồ Văn Chương 20 triệu đồng

>>
  • Cam kết trả lương cho 121 người lao động

(SGGPO).- Sau nhiều ngày Công an tỉnh Quảng Nam công bố sự việc và báo chí đưa tin, mãi đến 7-10, ông Phạm Quang Oánh, Trưởng phòng Vật tư Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đăk Lăk mới đến chia buồn, thăm hỏi và trao số tiền 20 triệu đồng hỗ trợ gia đình chị Hồ Thị Út - vợ của anh Hồ Văn Chương bị chết khi đang lao động tại xã Đăk Rmăng, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông (như SGGPO đã có hai bài phản ánh).

Giải thích về vụ việc trên, ông Oánh nói: “Việc ông Đỗ Ngọc Lân hợp đồng với nhân công tại Phước Sơn, để xảy ra sự cố đáng tiếc trên, xí nghiệp thật sự không biết. Bởi lẽ, ông Lân hợp đồng trồng keo cho xí nghiệp thông qua một người khác và khi xảy ra sự việc lại trùng vào thứ 7 và Chủ nhật nên xí nghiệp không biết để can thiệp kịp thời. Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa thông tin, với cương vị là đơn vị chủ quản, Xí nghiệp đã họp kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của người ký hợp đồng đầu tiên, đồng thời tiến hành kiểm soát toàn bộ hợp đồng trồng rừng tại xã Đăk Rmăng, huyện Đăk Glong tỉnh Đăk Nông, để tránh xảy ra trường hợp tương tự”.

Ông Oánh cho biết, quan điểm của Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đăk Lăk là trồng rừng, phục vụ sản xuất, dù xí nghiệp có lỗ nhưng tiền công lao động vẫn phải trả đầy đủ và tuyệt đối không có chuyện lừa lao động. Qua đây, xí nghiệp nguyên liệu giấy Đăk Lăk thành thật xin lỗi người dân huyện Phước Sơn.

* Chiều cùng ngày, tại cơ quan Công an huyện Phước Sơn, ông Oánh thay mặt xí nghiệp nguyên liệu giấy Đăk Lăk ký biên bản cam kết sẽ trực tiếp cùng với ông Lân, bà Nga trả toàn bộ số tiền công cho 121 lao động của huyện Phước Sơn trước ngày 31-12.

Thượng tá Đào Quang, Trưởng Công an huyện Phước Sơn, cho biết: “Sau khi có biên bản cam kết của Xí nghiệp nguyên liệu giấy Đăk Lăk, công an huyện Phước Sơn sẽ chuyển hồ sơ lên UBND huyện và chờ ý kiến chỉ đạo để tiếp tục điều tra làm rõ”.

Tấn Sỹ – Nguyên Khôi

>> Vụ 33 người dân tộc thiểu số ở Phước Sơn (Quảng Nam) bị lừa: người dân cả tin, chính quyền xã buông lỏng

>> Giải thoát 32 người dân tộc thiểu số bị lừa đi lao động trong rừng sâu

Tin cùng chuyên mục