Xin cho biết đôi điều về nhân vật lịch sử Trần Khắc Chân?

Hỏi: Xin cho biết đôi điều về nhân vật lịch sử Trần Khắc Chân.
Nguyễn Quang Thắng (Đường Trần Khắc Chân, P.Tân Định, Q1, TPHCM)

Ở thành phố Hồ Chí Minh, có hai con đường mang tên Trần Khắc Chân, một ở quận 1, một ở quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, trong lịch sử Việt Nam, không có nhân vật nào là Trần Khắc Chân mà chỉ có Trần Khát Chân và Trần Khắc Chung.

Vào cuối thế kỷ XVI, quân Chăm-pa thường tràn sang nước ta để bắt trâu bò, cướp tài sản. Cuối năm 1389, Trần Khát Chân được cử làm Đô tướng, cầm quân đánh tan quân giặc ở Thanh Hóa, giết vua Chăm-pa Chế Bồng Nga tại trận. Ông được phong chức Nội vệ Thượng tướng quân, tước Vũ tiết Quan nội hầu.

Năm 1399, quyền thần Hồ Quí Ly giết vua, mưu cướp ngôi nhà Trần. Trần Khát Chân cùng một số người khác tổ chức diệt Hồ Quí Ly, nhưng việc không thành, ông và hơn 370 người khác bị giết.

Đỗ Khắc Chung làm Chi hậu cục thủ. Năm 1285, giặc Nguyên sang xâm lược nước ta, đóng ở Đông Bộ Đầu (Hà Nội). Ông tình nguyện vào doanh trại của địch để xin giảng hòa, thực ra là để dò xét tình hình địch. Tướng giặc Ô-mã-nhi nhận xét ông là “người tài giỏi”, “ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ ứng đối vẫn tự nhiên... có thể nói là không làm nhục mệnh vua”. Sau chiến thắng giặc Nguyên, ông được ban quốc tính (Trần Khắc Chung), sau được thăng chức Nhập nội hành khiển, hàm Thiếu bảo. Ông qua đời năm 1330.

Tên đường Trần Khắc Chân có từ năm 1955. Thiết nghĩ, chính quyền thành phố cần chấm dứt một nhầm lẫn đã kéo dài ngót nửa thế kỷ.

Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục