Xin cho biết hai nhân vật lịch sử Phan, Lâm trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình thí dân”

Hỏi:
Xin cho biết hai nhân vật lịch sử Phan, Lâm trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình thí dân”

Hỏi: Xin cho biết hai nhân vật lịch sử Phan, Lâm trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình thí dân”.
Nguyễn Đức Thành (13/4 Phó Cơ Điều, P12, Q5, TPHCM)

Xin cho biết hai nhân vật lịch sử Phan, Lâm trong câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình thí dân” ảnh 1

Cụ Phan Thanh Giản

Trong câu trên, Phan là Phan Thanh Giản, Lâm là Lâm Duy Hiệp, hai vị khâm sai toàn quyền đại thần thay mặt triều đình Huế ký Hòa ước Nhâm Tuất (5-6-1862) với đại diện chính phủ Pháp là Bonard và đại diện chính phủ Tây Ban Nha là Palanca tại Sài Gòn.

Theo Hòa ước Nhâm Tuất, triều đình Huế phải nhường cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam kỳ là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, bồi thường chiến phí cho Pháp và Tây Ban Nha…

Trong câu trên, bạn cần chú ý hai chữ là mãi và thí. Mại là bán, mãi là mua nên phải viết Phan, Lâm mại quốc, nghĩa là Phan, Lâm bán nước. Khí dân chứ không phải là thí dân, khí là bỏ đi, ném đi. Triều đình khí dân là triều đình bỏ dân ba tỉnh miền Đông.

Đây là câu lên án triều đình Tự Đức trong việc ký kết Hòa ước Nhâm Tuất, xem đó là một hành vi phản bội lại quyền lợi của dân tộc. Khi Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp về đến triều đình, chính vua Tự Đức cũng cho rằng Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp đã sai lầm khi nhượng bộ thực dân Pháp quá nhiều nên đã mắng: “Các người chẳng những là tội nhân của triều đình mà còn là tội nhân của muôn đời! Thương thay con đỏ của lịch triều, nào có tội gì?” (Đại Nam thực lục, tập 29, trang 302).

Lên án Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp (còn có thể đọc là Thiếp) như vậy nhưng chính vua Tự Đức cũng phải phê chuẩn Hòa ước Nhâm Tuất! Phan Thanh Giản sau đó được vua Tự Đức phái sang Pháp và Tây Ban Nha để chuộc lại ba tỉnh miền Đông (1863). Kết quả là Hòa ước Aubaret được ký kết tại Huế ngày 15-7-1864, theo đó Pháp thuận trả lại ba tỉnh miền Đông cho triều đình Huế (điều 1). Phan Thanh Giản cùng Trần Tiển Thành và Phan Huy Vịnh thay mặt triều đình Huế ký hiệp ước này với đại diện triều đình Pháp là Louis Gabriel Aubaret. Tiếc thay, hòa ước này không được Pháp phê chuẩn. Năm 1867, khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây, kinh lược sứ Phan Thanh Giản đã uống thuốc độc tự vẫn.

Về sự kiện Trương Định đề tám chữ “Phan Lâm mại quốc, triều đình khí dân” trên cờ khi khởi nghĩa chống Pháp như nhiều sách vở đã ghi thì cho đến nay không tìm thấy một tư liệu gốc nào xác nhận. Tiểu sử Trương Định do Nguyễn Thông viết, tiểu sử Trương Định trong Đại Nam liệt truyện và cả châu bản triều Tự Đức (tờ bẩm của Phạm Tiến ngày 20-11-1863, Tường trình của Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Đức Tánh về tình hình ba tỉnh miền Đông đề ngày 9-12-1863) đều không có chi tiết này.

Vì thế, trong hội thảo khoa học về Phan Thanh Giản ở Vĩnh Long, các nhà nghiên cứu đã xem sự kiện đề cờ Trương Định là không có, trên cơ sở tư liệu lịch sử hiện nay. Trong một hội nghị khác về Phan Thanh Giản được tổ chức tại TPHCM, Phan Thanh Giản được nhận thức như một nhân vật yêu nước. Mộ và nhà thờ Phan Thanh Giản ở Ba Tri (Bến Tre) gần đây đã được nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trì việc trùng tu và tôn tạo.

Khánh Tường

Tin cùng chuyên mục