
Hỏi: Xin cho biết nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Đồng Tháp Mười
Lê Thanh Sơn (huyện Bình Chánh, TPHCM)

Trong Châu bản triều Nguyễn (CB số 287, từ tờ 1 đến tờ 3) ngày 1 tháng 3 năm Tự Đức thứ XVIII (tức ngày 27-3-1865) có đoạn: “…Lại việc nữa: quan Tây có đến Vĩnh Long nói: tháng chạp qua, đảng của Thiên hộ Dương, tên quản Là đã đánh giết bốn người Tây, bắt sống một. Nói lên rằng đã giải đến Vãng Tháp (…) nộp cho Thiên hộ Dương…”. Như vậy, địa danh Vãng Tháp có nghĩa là “ngôi tháp đã đổ nát” đã ra đời trước năm 1865.
Tiếp theo, công báo Nam Kỳ của Pháp đưa tin: “Ngày 17-4-1866, đã chiếm được Tháp Mười”. Đây là lần đầu tiên địa danh Tháp Mười được viết bằng chữ Quốc ngữ xuất hiện.
Cũng trong Châu bản số 287, từ tờ 143 đến tờ 145, ngày 7 tháng 6 năm Tự Đức thứ XIX (tức ngày 18-7-1866) có đoạn viết: “…Trước đây, tên phạm đó (tức Võ Duy Dương) ẩn náu ở Thập Tháp…”. Thập Tháp chỉ là tên dịch của Tháp Mười theo cú pháp Hán.
Trong tiếng Việt, Tháp Mười có hai cách hiểu: Tháp mười tầng hoặc tháp thứ mười. Chính quyền Ngô Đình Diệm hiểu theo cách thứ nhất nên năm 1958, đã cho xây một cái tháp mười tầng, cao 42m tại đây nhưng đã bị chiến tranh tàn phá. Cách hiểu này, theo ý kiến cá nhân, không phù hợp với thực tế vì ở Nam bộ, người Chân Lạp xưa và người Khmer nay không có thói quen xây dựng tháp nhiều tầng như người Việt và người Trung Quốc.
Cách hiểu thứ hai có thể mang hai nội dung: tháp là tháp canh hay tháp chùa, tháp lăng mộ. Ý nghĩa “tháp canh” e không hợp với thực tế vì nơi đây vắng vẻ và không có tài liệu lịch sử nào nói đến sự kiện này.
Còn ý nghĩa “tháp chùa”, “tháp lăng” có ba tài liệu lịch sử nói đến.
Trong bài Địa danh, di tích, thắng cảnh trong vùng người Việt gốc Miên của Lê Hương, đăng trong tập san Sử Địa, số 14 và 15, Sài Gòn, 1969, có đoạn: “Tháp Mười là một ngôi tháp bằng đá, do vua Jayavarman VII (1181 - 1218) xây cất trên lãnh thổ để thờ vị thần Bà la môn Lockecvara là vị thần có chức năng trị bệnh cho nhân loại”.
Trong hai quyển Lịch sử thế giới trung đại (của Lương Ninh và Đặng Đức An) và Lịch sử Campuchia (của Phạm Trung Việt, Nguyễn Xuân Kỳ và Đỗ Văn Nhung) đều có nêu sự kiện: Vua Jayavarman VII (Chân Lạp) lập 102 bệnh viện phân bổ trong toàn vương quốc để cả bốn đẳng cấp đều có thể được chăm sóc.
Mỗi bệnh viện đều có xây một ngôi chùa nhỏ và ngôi tháp thờ thần trị bệnh Lockecvara. Người ta đã tìm thấy trên 30 bệnh viện trong đó có 15 nơi có cả bia đá với nội dung giống nhau, nói về ý định, việc cung ứng, tổ chức và chữa bệnh.
Như vậy, Tháp Mười ở đây vốn là “cái tháp thứ mười” và từ Đồng sau đó đã được ghép vào biến đổi tên Đồng Tháp Mười. Địa danh Tháp Mười đã xuất hiện giữa thế kỷ XIX và phát triển thành Đồng Tháp Mười như hiện nay. (Phỏng theo nội dung bài Vài suy nghĩ về nguồn gốc địa danh Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hữu Hiếu trong Đồng Tháp 300 năm, NXB Trẻ, 2004, tr. 40 - 50).
PGS.TS Lê Trung Hoa