
Hỏi: Xin cho biết vài nét về nền văn hóa Đông Sơn.
Hà Thúc Thanh (Quận 1, TPHCM)
Đông Sơn vốn là tên một làng thuộc huyện Thọ Hoàng, phủ Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1924, lần đầu tiên, người ta đào được những di vật về một nền văn hóa đồng rất rực rỡ. Người đặt tên cho nền văn hóa này là R. Heine Geldern, năm 1934.
Rất tiếc là Heine Geldern đã định nghĩa sai về nền văn hóa này. Ông coi nền văn hóa Đông Sơn phỏng theo văn hóa Hán và xa hơn nữa là từ phương Tây, thường được gọi là nền văn minh Hallstatt hay nền văn minh La Tène của châu Âu. Sự định hướng sai này cũng như việc không nhìn thấy sự liên hệ giữa văn hóa Đông Sơn và việc các vua Hùng dựng nước Văn Lang đã gây ra những ngộ nhận rất quan trọng trong việc tìm hiểu cổ sử Việt Nam mà ảnh hưởng còn lưu lại đến ngày nay.
Những học giả khác khi nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn cũng có một cái nhìn tương tự giống như R.H. Geldern, như V. Goloubew, E. Karlgren và nhất là O. Jansé. Những học giả này đều có những tác phẩm lớn, vì vậy không chỉ ảnh hưởng đến học giới quốc tế mà còn ảnh hưởng đến những “học giả” Việt Nam.

Trống sông Đà, Đk 78cm, cao 61cm
Cho đến gần đây, không kể những sách của Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, ngay cả cuốn Lịch sử tư tưởng của GS. Nguyễn Đăng Thục (Sài Gòn, 1967) cũng trích những đoạn trong sách của O. Jansé, coi như là tiêu chuẩn định hướng trong việc truy tìm nguồn gốc của dân tộc.
Từ khi thành lập Viện Khảo cổ, năm 1968, các nhà khảo cứu Việt Nam đã hướng sự khảo cổ của mình trong mục đích dựng lại thời đại Hùng Vương, vì vậy đã dần dần chứng minh được văn hóa Đông Sơn là văn hóa hoàn toàn có tính cách bản địa, phát sinh trong nước trong một thời gian dài, từ Phùng Nguyên, qua các giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun và Đường Cổ để đi đến văn hóa Đông Sơn là đỉnh cao nhất.
Suốt 36 năm qua, các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện hàng trăm di chỉ, hàng chục ngàn các di vật đủ mọi loại hình, đủ để làm tài liệu căn bản vững chắc cho bốn hội nghị liên tiếp, chứng minh thời kỳ Hùng Vương là có thực, là thời kỳ mở đầu dựng nước của dân tộc Việt Nam. Những học giả Việt Nam cũng đã viết hàng trăm bài khảo luận, xuất bản nhiều cuốn sách với những lập luận vững chắc, với lượng thông tin phong phú.
Nói đến nội dung của văn hóa Đông Sơn, có 3 điểm cần nhấn mạnh:
1. Kỹ thuật đồng thau mà đỉnh cao là các trống đồng Đông Sơn.
2. Kỹ thuật về quân sự mà đỉnh cao là thành Cổ Loa.
3. Sự tổ chức cộng đồng hoàn chỉnh theo phương thức tự trị mà đỉnh cao là sự thành lập nước Văn Lang.
(Dựa theo Cung Đình Thanh, Tìm về nguồn gốc văn minh Việt Nam dưới ánh sáng mới của khoa học, tr. 125 – 128).
PGS.TS Lê Trung Hoa