Hỏi: Xin cho biết về địa danh Lưu Cầu trong nhan đề một tác phẩm của Phan Bội Châu là “Lưu Cầu huyết lệ tân thơ”. Nếu có thể, cho biết nội dung của tác phẩm đó. Nguyễn Văn Ban (Học sinh lớp 12, Lấp Vò, Sa Đéc)
KHÁNH TƯỜNG: Lưu Cầu là phiên âm Hán Việt của RyuKyu, một quần đảo phía Nam Nhật Bản mà Okinawa là đảo lớn nhất. Cho đến thế kỷ 14, quần đảo Lưu Cầu (trải dài hơn 650km nằm giữa đảo Kyushu (Cữu Châu) của Nhật và đảo Đài Loan) là một vương quốc độc lập.
Dân Lưu Cầu có tiếng nói riêng và là hợp chủng giữa người Nhật ở phương Bắc và các chủng tộc Đông Nam Á. Từ năm 1609, Lưu Cầu đặt dưới sự đô hộ của Nhật và được sáp nhập vào Nhật từ năm 1879 (Lưu và Cầu trong từ Hán Việt đều có nghĩa là ngọc). Phan Bội Châu mượn hoàn cảnh đảo Lưu Cầu đang ở dưới ách thống trị của Nhật để nói đến hoàn cảnh nước ta đầu thế kỷ XX đang bị thực dân Pháp đô hộ.
Đặc biệt trong thế kỷ 15, vương quốc Lưu Cầu có quan hệ với Đại Việt. Thuyền buôn của Lưu Cầu có đến Đại Việt. Hiện nay trong sưu tập có văn thư ngoại giao giữa vương quốc Lưu Cầu với Trung Quốc, Triều Tiên và các nước Đông Nam Á (Lịch đại bảo án) còn chép lại một văn thư của Trung Sơn Vương nước Lưu Cầu đề ngày 9 tháng 10 năm Chính Đức thứ 4 (Minh) tức là ngày 20-11-1509 phái chánh sứ Trịnh Cữu, phó sứ Mã Sa Giai và Lương Quỳ mang phẩm vật đến An Nam để cảm tạ “Vạn Thọ Đại Vương của nước An Nam”. (Vĩnh Sính-Một văn thư Vương quốc Lưu Cầu gửi sang Việt Nam đầu thế kỷ XVI).
Nội dung của Lưu Cầu huyết lệ tân thư của Phan Bội Châu gồm có 5 đoạn như Tự phán cho biết:
- Đoạn thứ nhất nói những điều sỉ nhục vì nước mất, quyền mất…, kết cục thảm họa về tương lai.
- Ba đoạn giữa nói về:
1. Khai dân trí
2. Chấn dân khí
3. Thực nhân tài
- Đoạn cuối cùng: kêu gọi giới quan lại triều đình Huế tham gia công cuộc đấu tranh giành độc lập. (Xem Tự phán của Phan Bội Châu, NXB Anh Minh, 1956, Huế, trang 34,35).