Hỏi: Xin cho biết ý nghĩa của từ “lấm” trong thành ngữ “Chân lấm tay bùn”. Huỳnh Thị Ngọc Bích (Đồng Tháp)
PGS-TS Lê Trung Hoa: Ngày nay, chúng ta thường hiểu lấm là một tính từ hay động từ với nghĩa là “bị dính bẩn vì bùn, đất”. Thật ra, ban đầu lấm là một danh từ. Cho nên, theo phép đối và điệp trong thành ngữ, tục ngữ, lấm phải là danh từ mới đối được với bùn (danh từ).
Trong Từ điển Việt-Bồ-La (1651) và Phép giảng tám ngày (1651), A.de Rhodes đã nhiều lần dùng từ này và giải thích lấm là “bùn”.
Trong Từ điển Tiếng Việt (2000), Hoàng Phê (chủ biên) cũng giải thích: “Trạng thái ruộng đã cày bừa thành bùn nhão, thuận tiện cho việc gieo cấy. Thí dụ: ruộng bị khô nẻ, mất lấm”. Trong tác phẩm Về sản xuất nông nghiệp và hợp tác hóa nông nghiệp, Nguyễn Chí Thanh viết: “Nhờ có diện tích tăng vụ được mở rộng, khắc phục được hiện tượng để ruộng mất lấm”.
Ở xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi (TPHCM) có ấp Trảng Lắm (thật ra đây là Trảng Lấm). Ở Phú Yên có Vũng Lấm:
Vũng Dông, Vũng Lấm, Vũng Chào
Vũng La, Vũng Sứ, chỗ nào cũng thương
Tóm lại, lấm trong các địa danh và thành ngữ trên đều là danh từ, có nghĩa là một loại bùn.
