Xin giải thích vì sao là Thái Duy?

Hỏi:
Xin giải thích vì sao là Thái Duy?

Hỏi: Ngôi mộ chung của hai vị lãnh đạo Việt Nam Quang Phục Hội đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 là Trần Cao Vân và Thái Phiên, đã được tôn tạo đẹp đẽ và trang nghiêm (gần chùa Châu Lâm, Huế). Trên tấm bia cũ còn được giữ lại có khắc hai dòng chữ song song là “Trần Cao quý công – Thái Duy quý công”. Xin giải thích vì sao là Thái Duy? Phải chăng ở đây thừa chữ duy?
Phạm Cung (Đại học Huế)

Xin giải thích vì sao là Thái Duy? ảnh 1

Cụ Trần Cao Vân

Ngô Thành Nhân trong cuốn “Ngũ Hành sơn chí sĩ” (NXB Ang Minh, 1961, Huế) cũng có ý kiến như ông: “Trong chữ ấy [Trần Cao quý công – Thái Duy quý công] người viết chữ cho thợ khắc có thừa một chữ duy ở húy danh cụ Thái Phiên, vì tên nhà liệt sĩ họ Thái không lót chữ duy” (trang 76).

Thật ra, không phải như vậy. Người viết đã được tiếp cận với gia phả họ Thái tại làng Nghi An, huyện Hòa Vang _ Quảng Nam (nay Hòa Vang thuộc thành phố Đà Nẵng). Gia phả cho biết, thân phụ nhà chí sĩ họ Thái là Thái Duy Tân và tên của chí sĩ trong gia phả là Thái Duy Phiên. Theo ý chúng tôi, cách gọi tên vắn tắt (giản lược bớt chữ lót) theo thói quen của người Quảng đã ảnh hưởng đến ghi nhận của người đời và cả những người viết sử.

Trường hợp Tiểu La Nguyễn Thành, Tán Lương Đỗ Tuyển, Hội chủ Nghĩa hội Cần Vương Quảng Nam Trần Văn Dư là các trường hợp tương tự. Nguyễn Thành theo gia phả là Nguyễn Văn Thành, Đỗ Tuyển trong bản án của triều đình Huế là Đỗ Đăng Tuyển, Trần Văn Dư thường được gọi tắt là Trần Dư… Vì vậy, nếu chúng ta đã quen gọi là Thái Phiên thì khi viết cũng nên ghi chú: “Đúng ra là Thái Duy Phiên” và tấm bia cũ ghi Thái Duy quý công là hoàn toàn chính xác.

Khánh Tường

Tin cùng chuyên mục