Theo đó, vào ngày 14-11-1985, Phòng An ninh kinh tế - Văn hóa, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành khám xét nhà ông Sáu và phát hiện một lọ tinh dầu cam 65ml (đã hư). Tại thời điểm này, tinh dầu cam thuộc danh mục những hàng hóa Nhà nước độc quyền kinh doanh, cấm tư nhân buôn bán. Do đó, ông Sáu đã bị Công an tỉnh Đắk Lắk bắt tạm giam để điều tra về hành vi “bán hàng trái phép”. Đến ngày 21-11-1985, ông Bùi Văn Nhị (thời điểm này là Trưởng phòng An ninh kinh tế- Văn hóa, Công an tỉnh Đắk Lắk, nay đã về hưu) ký Lệnh tạm tha. Đến ngày 24-11-1985 ông Lâm Văn Sáu đã được tạm tha, sau 9 ngày bị bắt giam.
Sau đó, ông Sáu đã làm đơn khiến nại cho rằng mình bị oan, đề nghị cơ quan điều tra đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can. Tuy nhiên, mấy chục năm nay cơ quan điều tra vẫn không ra lệnh đình chỉ vụ án và đình chỉ điều tra đối với ông Sáu.
Tại buổi xin lỗi, Trung tá Nguyễn Lâm Huấn, Phó Trưởng phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc buôn bán trái phép có liên quan đến ông Sáu năm 1985 chưa bị khởi tố vụ án hình sự và chưa khởi tố bị can. Trường hợp bắt giữ đối với ông Sáu được Phòng An ninh Kinh tế - Văn hóa áp dụng là trường hợp bắt khẩn cấp và sau đó tạm giữ để tiến hành điều tra, làm cơ sở cho việc ra hoặc không ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can, tạm giam đối với người đã bắt, tạm giữ. Do đó, căn cứ vào pháp luật hình hành và sự việc xảy ra từ năm 1985, Công an tỉnh Đắk Lắk không ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự và đình chỉ điều tra đối với ông Sáu.
Để xảy ra vụ việc nói trên ông Bùi Văn Nhị và ông Bùi Văn Cường (nguyên cán bộ chủ trì thi hành lệnh bắt, khám xét) đã vi phạm trong hoạt động điều tra đối với ông Sáu. Cụ thể, sử dụng tùy tiện và sai biểu mẫu tố tụng hình sự trong hoạt động điều tra gồm: Mẫu biên bản khám xét. Khi thay đổi biện pháp ngăn chặn phải sử dụng quyết định trả tự do lại sử dụng Lệnh tạm tha dẫn đến những sai sót trong hoạt động điều tra và ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với ông Sáu.
Việc tạm giữ đối với ông Sáu từ ngày 14-11-1985 đến ngày 24-11-1985 là trái quy định. Sau khi ông Sáu được tạm tha, Phòng An ninh kinh tế - Văn hóa mà trực tiếp là ông Bùi Văn Nhị không tiếp tục điều tra, làm rõ để kết luận và giải quyết dứt điểm vụ việc trên là không đúng với quy định của pháp luật. Do đó, đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Sáu.
Công an tỉnh Đắk Lắk nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm. Đồng thời, ông Nhị và ông Cường có trách nhiệm cùng với Phòng An ninh Kinh tế thỏa thuận bồi thường thiệt hại đối với ông Sáu.
Phát biểu tại buổi xin lỗi, ông Đại tá Nguyễn Thế Lực, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đại diện Công an tỉnh Đắk Lắk xin lỗi đối với ông Sáu và gia đình. Bên cạnh đó, Công an tỉnh Đắk Lắk cam kết thực hiện đúng và đầy đủ việc thỏa thuận bồi thường vật chất, tinh thần cho ông Sáu theo đúng quy định pháp luật.
Tại buổi xin lỗi, ông Bùi Văn Nhị cũng thừa nhận mình đã có những sai phạm trong quá trình thực hiện hoạt động tố tụng vào năm 1985 dẫn đến ông Sáu bị oan sai.
Ông Nguyễn Lâm Sáu đã chấp nhận lời xin lỗi của cá nhân và tổ chức công an tỉnh. Ông Sáu cũng gởi lời cảm ơn sâu sắc đến Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo và tổ chức buổi xin lỗi công khai. Luật sư Vũ Văn Lợi (đại diện cho ông Sáu) đề nghị Công an tỉnh Đắk Lắk nhanh chóng giải quyết các thỏa thuận bồi thường theo đúng quy định đồng thời cấp lại các giấy tờ tùy thân cho ông Lâm Văn Sáu.