Bài toán xóa nhà trên kênh rạch, chỉnh trang đô thị, nhằm tạo chỗ ở mới cho hộ dân được tốt hơn, bảo vệ môi trường và khơi thoáng dòng chảy… đã làm “đau đầu” lãnh đạo TPHCM và quận 6. Bài toán đặt ra là thiếu quỹ nhà tái định cư. Nay, giải pháp đầu tư vào quỹ nhà bằng công nghệ mới, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm chi phí… đã được quận kêu gọi đầu tư, ứng dụng, hy vọng sẽ giúp người dân an cư.
Công nghệ mới
Khu tái định cư gồm 2 khối nhà ứng dụng công nghệ mới đầu tiên sẽ được khởi công tại quận 6. Công nghệ ứng dụng chế tạo và lắp dựng kết cấu thép trong xây dựng nhà cao tầng này đã được ứng dụng ở một số nước trên thế giới như Mỹ, Nhật. Việc sử dụng kết cấu thép hình, bê tông hỗn hợp trong xây dựng từ các nước tiên tiến đã được lãnh đạo quận quan tâm nghiên cứu. Công nghệ mới này có thể tăng cường khả năng chống ăn mòn của thép, chịu lửa tốt hơn, lại có kết cấu ứng lực trong thi công, sẽ giảm được chi phí phần móng, giúp rút ngắn thời gian thi công…
Vài năm trước đây, Công ty CP Lắp máy điện nước và xây dựng (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội) cũng triển khai nghiên cứu ứng dụng công nghệ kết cấu thép hình, bê tông hỗn hợp cho nhà cao tầng tại Việt Nam. Công nghệ mới này liền được ứng dụng trong xây dựng tòa nhà hoạt động đa năng ở Hà Nội. Sau đó, lãnh đạo quận đã nghiên cứu, kêu gọi đầu tư ứng dụng cho Dự án Khu tái định cư phường 11, quận 6. Tòa nhà 5 block, 15 tầng với 560 căn hộ trên đường Nguyễn Văn Luông (quận 6) sẽ được khởi công xây dựng ngày 29-3, dự tính được hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 9-2012.
Theo các chuyên gia xây dựng, ứng dụng công nghệ mới này sẽ rút ngắn thời gian thi công khoảng 20%-30% so với phương pháp truyền thống. Đó là chưa kể, chi phí thi công sẽ rẻ hơn khoảng 5%-10%. Bởi toàn bộ phần khung sẽ được sản xuất tại xưởng, giảm nhân công trong quá trình thi công. Bên cạnh đó, do vật liệu sử dụng là thép nên diện tích chiếm chỗ sẽ ít lại, nâng diện tích sử dụng căn hộ lên từ 78% (theo phương pháp truyền thống) thành 82% (ứng dụng công nghệ mới). Điều này sẽ giải quyết lợi ích kinh tế cho ngân sách nhưng quan trọng hơn hết, theo ông Trần Hữu Trí, Phó Chủ tịch UBND quận 6, ứng dụng mới sẽ giúp người nghèo tiếp cận với sản phẩm công nghệ mới.
Giải quyết bức xúc nhà tái định cư
Quận 6 là quận ven có nhiều kênh rạch như kênh Tàu Hủ, Tân Hóa - Lò Gốm, rạch Ruột Ngựa - rạch Nhảy, rạch Hàng Bàng, rạch Bàu Trâu… Từ rất lâu, nhiều người xây nhà trên và ven kênh rạch, xả rác thải sinh hoạt xuống kênh làm ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn dòng thoát nước. Lâu ngày, sức khỏe người dân nơi đây cũng không được đảm bảo. Do vậy, quận phải nhanh chóng thực hiện giải tỏa chỉnh trang đô thị, phục vụ việc thoát nước, chống ngập chung của TP. Từ đó, mục tiêu xây dựng nhà tái định cư làm sao vừa phục vụ việc di dời giải tỏa, vừa tạo điều kiện sống tốt nhất cho người dân là vấn đề được lãnh đạo quận các thời kỳ luôn quan tâm hàng đầu.
Chỉ với 3 dự án triển khai thực hiện trong giai đoạn 2010-2015 (dự án nâng cấp đô thị thành phần số 4; dự án cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng và dự án cải tạo rạch Bàu Trâu), nhu cầu nhà tái định cư của quận đã trên 2.000 căn. Trước đây, do quỹ nhà ở chưa chuẩn bị kịp nên quận phải bố trí rải rác ở các chung cư khác nhau, thậm chí phải bố trí sang các quận, huyện khác. Nay mô hình xây dựng nhà tái định cư theo công nghệ mới sẽ giúp quận đẩy nhanh tiến độ giải tỏa, cải tạo kênh rạch, chấm dứt việc tạm cư cho các hộ dân vùng giải tỏa. Đồng thời, cũng giải tỏa mối lo trong lòng các vị lãnh đạo là làm sao để sau giải tỏa, người dân có thể đổi đời, cải thiện cuộc sống tốt hơn.
HÀN NI