Ở Việt Nam, đâu đó ta vẫn chứng kiến cảnh người khuyết tật vất vả lê từng bước lên một tòa nhà nhiều bậc tam cấp; lên xe buýt phải nhờ người nhấc xe lên hay loay hoay trên chiếc xe lăn tìm lối trên lề đường… Vô tình người khuyết tật bị bỏ rơi khỏi cuộc sống khi có quá nhiều thứ không dành cho họ.
Không rào cản
Hiểu được điều ấy, dự án “Bản đồ tiếp cận” của Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) ra đời tạo kênh hướng dẫn, chỉ lối cho người khuyết tật hòa nhập cộng động. Khái niệm “tiếp cận” được hiểu là việc người khuyết tật sử dụng được công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, thể thao, du lịch… để có thể hòa nhập cộng đồng.
Chị Từ Mãnh Kỳ, quản lý dự án chia sẻ: “Khi nghĩ đến dự án cho người khuyết tật, ta hay nghĩ đến những vấn đề lớn lao. Nhưng có những chuyện rất nhỏ, không phải ai cũng nghĩ đến. Chẳng hạn mấy ai bước chân lên những bậc thang cao có thể nghĩ ngay đến những khó khăn như người khuyết tật, người sử dụng xe đẩy gặp phải?”.
Dự án ra đời từ tháng 8-2011 và đến ngày 30-9-2012 hoàn thành tập bản đồ mang tên “Bản đồ tiếp cận”. Mục tiêu của bản đồ tiếp cận là nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề tiếp cận. Chính nhận thức mới làm nên sự thay đổi. Bản đồ tiếp cận hướng đến một TP không rào cản, nơi này không phải chỉ dành riêng sự thuận tiện cho người khuyết tật mà là cho tất cả mọi người.
Cũng theo chị Từ Mãnh Kỳ, quản lý dự án, ý tưởng ban đầu là cho ra đời một bản đồ giấy trong phạm vi quận 1, quận 3 của TPHCM. Nhưng rồi, cả nhóm tiếp tục phát triển để có thêm bản đồ trực tuyến toàn thành phố.
Hành trình tiếp cận
Dự án được bắt đầu từ việc cố gắng thay đổi nhận thức của xã hội với người khuyết tật. Chẳng hạn như chương trình “Khoảnh khắc kỳ diệu”, đưa người bình thường thử cảm giác ngồi xe lăn, để cảm nhận những khó khăn mà người khuyết tật hay gặp phải.
Tại công viên Lê Thị Riêng, sau khi được tình nguyện viên hướng dẫn ngồi xe lăn, đi qua các bậc thềm, xoay bánh xe đổi hướng đi… bạn Nguyễn Thị Hương Liên, học viên Trường Nhật ngữ Đông Du nhận xét: “Trước giờ mình cứ tưởng trên xe lăn có máy giúp xe tự chạy, nhưng hóa ra không phải vậy. Tất cả đều dùng tay điều khiển và mình không ngờ điều khiển xe lăn lại khó vậy. Mới chỉ đi khoảng 200m mà mình đã đau hết hai bàn tay, rồi đi lên dốc rất mệt, đến mấy bậc thang thì mình chịu luôn. Ngay việc đi lại trên xe, người khuyết tật cũng thật vất vả”.
Cùng lúc đó, gần 50 tình nguyện viên tranh thủ giờ học, giờ làm tỏa ra mọi ngóc ngách Sài Gòn khảo sát từng công trình một. Biết bao nhiêu công trình khảo sát là bấy nhiêu khó khăn. Nơi từ chối thẳng thừng, nơi tưởng là xin tiền, nơi không chịu hợp tác… Ngô Hoài Trang, sinh viên Trường Đại học KHXH-NV TPHCM chia sẻ: “Kiếm đúng địa chỉ khảo sát công trình đã khó, thêm vào đó là sự bất hợp tác của chủ công trình. Họ cho rằng người khuyết tật không có nhu cầu sử dụng công trình của họ; có người nghĩ người khuyết tật sẽ gây xui rủi với việc kinh doanh của họ”.
Vì thế nhiều bạn thường đóng vai là người thân của người khuyết tật đi khảo sát. Trong hơn 1 năm, các tình nguyện viên DRD đã khảo sát 1.800 công trình công cộng (bệnh viện, trường học, nhà hàng,…) trên địa bàn TP. Kết quả chỉ có 78 công trình xây dựng đúng quy chuẩn, có thể tiếp cận cho người khuyết tật. Một kết quả thấp nhưng dự án vẫn tiếp tục tập hợp 78 công trình tiếp cận trên vào bản đồ tiếp cận để phát miễn phí cho người khuyết tật trên địa bàn TP.
Ngoài ra còn thiết kế bản đồ tiếp cận điện tử trên trang drdvietnam.com, với thông tin tiếp cận trên 8 quận. Trên bản đồ sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về lối vào, cửa hành lang, thang máy, nhà vệ sinh… ở các công trình như bệnh viện, bảo tàng, quán cà phê… có phù hợp với người khuyết tật hay không. Bản đồ tiếp cận không chỉ giúp ích người khuyết tật đi xe lăn mà còn giúp người già yếu, người bị thương tật, phụ nữ mang thai…
Chị Từ Mãnh Kỳ chia sẻ: “Hiệu quả của bản đồ tiếp cận là nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề tiếp cận tại các công trình của người khuyết tật. Hành trình tiếp cận chỉ mới bắt đầu thôi. Ai cũng có quyền mơ ước về một TP, một xã hội không rào cản cho tất cả mọi người”.
TRẦN NHƯ QUỲNH