Xoay chò xoay tết về đâu…

Hôm tôi đăng bài thơ “Mùa xuân xoay chò” lên Facebook, có người hỏi tôi cái chò là cái gì, rồi có người thay tôi trả lời giúp. Tôi hiểu những người hỏi đa phần là người trẻ, chứ còn lứa tuổi như tôi thì chắc là ai cũng biết. Hồi trước, cùng với cặp chân đèn, bộ lư đồng là những thứ trang nghiêm được đặt trang trọng trên chiếc tủ thờ giữa nhà thì cái chò cũng là hình ảnh thiêng liêng đã khắc sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ người Việt Nam chúng ta.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Dù giàu hay nghèo, mỗi nhà đều dành một góc thiêng liêng để thờ cúng ông bà, tiên tổ. Tùy điều kiện, bàn thờ đôi khi chỉ là một cái bàn nho nhỏ, là một cái tủ thường thường hay tủ cẩn xà cừ gì cũng được nhưng bắt buộc là phải có. Trên bàn thờ, thường người ta sắm cho đủ cặp chân đèn, bộ lư và cái chò. Cặp chân đèn thì tùy thuộc vào khả năng và thị hiếu của mỗi nhà mà chúng được chọn bằng chất liệu gỗ hay đồng. Dù được làm bằng chất liệu gì, thì ngày tết cũng được tân trang lại. Những cặp chân đèn bằng gỗ thì người ta chùi lau và đánh vec – ni nhìn đỏ au, mới hực. Còn những cặp chân đèn bằng đồng, cùng với bộ lư thì đem đi đánh bóng. Lớp đồng hoen rỉ cả năm, sau khi được đánh bóng đã trả lại đúng màu đồng của nó, vàng óng, lấp lánh, ánh lên không khí rộn ràng, ấm cúng của ngày xuân.

Còn cái chò thì chỉ làm bằng một chất liệu duy nhất là gỗ. Thường người ta chọn loại gỗ tốt không bị mọt ăn, rồi đục, khắc rất kỳ công. Tôi còn nhớ năm đó ba tôi đóng cho nhà ngoại tôi một cái chò bằng gỗ cây quý. Cái chò cao độ chừng 35 cm, có ba cái chân chạm khắc hình rồng rất đẹp. Ngoài tay nghề thợ mộc khéo, ba tôi còn muốn gửi gắm niềm kính trọng của mình đối với ông bà vào trong chiếc chò ấy, cho nên chiếc chò được đóng rất đặc biệt. Nhìn đĩa trái cây được đặt trên chiếc chò khéo léo chưng trên bàn thờ nhà ngoại tết năm ấy ai cũng tấm tắc, trầm trồ.

picture1-1999.png
Chò gỗ chưng trái cây

Hồi đó tôi nhớ mỗi lần tết, con cháu tụ tập về nhà ngoại tôi rất đông. Vì đường xá hồi đó đi lại rất khó khăn, nên ai về cũng đều ở lại chơi. Người ở lại chơi một hôm. Người ở hai, ba bữa. Có người ở chơi hết cái tết mới đi. Những ngày tết hồi ấy nhà ngoại tôi vui như hội, lúc nào cũng tràn ngập tiếng nói, tiếng cười. Đủ thứ trò chơi được bày ra. Quýnh bài có. Bầu cua cá cọp có. Nhưng cái khoảng chơi lô tô là vui nhất. Cho đến giờ tôi vẫn thuộc lòng tên gọi các con cờ không biết ai đặt ra mà nghe rất vui tai, gọi lên ai cũng biết đặt đúng số. Ví dụ như: đứng đầu lô tô (số 01), ông già hết gân (90), hai con le le (22), rằm (15), bồn vỗ bồn (44) hay chị mười lùn (số 10), chắc do dì của tôi thứ Mười mà lùn nữa nên mọi người gọi và đặt riết thành danh?

Có lẽ chẳng dễ gì quên được những ngày tết ấy, những đêm xuân họ hàng bà con, già trẻ, bé lớn tập trung đầy ở khoảng sân nhà ngoại. Những chiếc đệm trải ra khắp sân. Dưới hơi ấm tỏa ra từ ánh đèn dầu, không khí càng trở nên ấm cúng. Trời càng về khuya càng thấm đượm thâm tình. Tất cả các trò chơi lần lượt diễn ra, đọng lại nhất là trò chơi xoay chò. Trời càng khuya thì trò chơi này càng linh nghiệm. Dì tôi nói ai nặng bóng vía thì không được chơi xoay chò.

Tất cả mọi người ngồi xếp thành vòng tròn quanh chiếc đệm. Cái chò lúc này được thỉnh xuống đặt ở giữa, lấy một cái thúng úp lên. Bắt đầu chơi. Bà, dì, cậu, mợ, anh, chị,… tất cả ai cũng ngồi vào. Mọi người đặt úp một tay lên cái thúng rồi cùng đọc: “Ma nam, ma các chú, ma chà và, ai muốn chơi vô chơi…”. Cứ lặp đi lặp lại câu chú đó, cho đến khi cái chò cử động. Khi một trong ba cái chân chò nhấc lên gõ nhịp thì mọi người hỏi: “Ai? Ai về đấy?...”.

Tùy theo chò nhịp mấy cái, thì người chơi sẽ đoán là ai về nhập vô chò. Và tất nhiên, tên tuổi, thứ bậc của những người đã khuất trong dòng họ sẽ được nhắc đến. Tỷ như khi cái chò gõ năm cái thì ngừng. Mọi người đoán: “Ngoại Năm, phải Ngoại Năm không?”. Khi đó cái thúng úp trên cái chò gật gù một cái thì mọi người lao nhao lên “Ngoại Năm! Ngoại Năm về!”. Rồi lần lượt đặt ra những câu hỏi và tùy vào số nhịp chò gõ, hay cái thúng có gật gù hay không mà những người chơi tự nghĩ ra những câu trả lời của người đã khuất. Cứ thế lần lượt những người thân đã mất trong gia đình lần lượt như hiện về quây quần cùng con cháu. Trò chơi cứ thế mà khuya dần, khuya dần. Có khi tôi dụi vào lòng má tôi ngủ thiếp đi lúc nào cũng không hay biết.

Bây giờ ít thấy cái chò nữa. Xuân đến rồi xuân đi. Tết về rồi tết rời xa. Những người năm ấy tề tụ về nhà ngoại tôi cũng lần lượt đi mất. Chỉ có ký ức xa xưa là còn đọng mãi trong lòng những người ở lại, vĩnh hằng.

NGUYỄN THANH HẢI

Phòng GD-ĐT huyện Cái Bè, Tiền Giang

Tin cùng chuyên mục