Thời gian gần đây, Việt kiều từ Campuchia về Tây Ninh làm ăn, sinh sống ngày càng nhiều và sự có mặt của những lưu dân này đang kéo theo nhiều vấn đề xã hội cần phải giải quyết.
Cuộc sống bấp bênh
Dọc theo suối Vạc Xa ở thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, thuộc địa bàn ấp Cây Khế, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu có nhiều xóm Việt kiều Campuchia. Mỗi xóm có khoảng 20 - 30 hộ gia đình lưu trú. Họ cất nhà, dựng lều, che tum chen chúc trong vườn cao su, bên bờ suối. Hầu hết các nhà ở đây đều không có cửa và xung quanh trống huơ trống hoác. Một số hộ khác không tìm được nơi ở trên đất liền, phải sống lênh đênh trên mặt hồ Dầu Tiếng, lấy xuồng ghe làm nhà, sóng nước làm bạn.
Xóm Việt kiều ở ấp Tà Dơ xã Tân Thành
Cũng có hộ ở nhờ như trường hợp anh Lưu Văn Kết (41 tuổi). Vợ chồng anh sinh ra và lớn lên ở Biển Hồ bên Campuchia. Họ có 6 người con, mưu sinh bằng nghề đánh cá trên Biển Hồ; những năm gần đây, cuộc sống ngày càng khó khăn nên anh đưa gia đình về ấp Cây Khế sinh sống, ở nhờ nhà người dượng - cũng là Việt kiều Campuchia mới về đây sinh sống từ đầu năm 2016. Hàng ngày, cả nhà anh Kết cùng với người dượng đi bắt hến ở hồ Dầu Tiếng, được khoảng 100kg, bán cho thương lái 5.000 đồng/kg; trừ các chi phí xăng nhớt, chia ra mỗi gia đình còn khoảng 100.000 đồng/ngày. Cả 6 đứa con của vợ chồng anh Kết đều chưa được đến trường. Mỗi ngày, chúng cũng theo cha mẹ lặn ngụp dưới nước để bắt hến nhưng mùa hến chỉ kéo dài gần một tháng nữa là hết nên anh Kết cũng chưa biết sẽ làm gì để kiếm tiền nuôi gia đình. “Chắc theo anh em ở đây đi làm thuê làm mướn chứ biết làm gì bây giờ”, anh Kết trầm mặc nói.
Ở ấp Tà Dơ, xã Tân Thành (cùng huyện Tân Châu) cũng có một số Việt kiều Campuchia mới về sinh sống và họ không có đất cất nhà, cũng chẳng có xuồng ghe để ở. Cả nhà sống trong một căn nhà di động gọi là “giường nhà”. Đó là cái gường bằng gỗ dùng để ngủ, chủ nhân của chiếc giường này đóng thêm một số cây gỗ xung quanh giường và lợp lên trên tấm nhựa để che mưa nắng như gia đình anh Lê Văn Hoàng. Cuộc sống ở nước bạn ngày càng khó khăn nên hơn một tháng nay, anh Hoàng đưa vợ và 3 con nhỏ về ấp Tà Dơ tìm kế sinh nhai.
Cần sự hỗ trợ
Theo thống kê của UBND xã Tân Thành, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn xã có 320 hộ với 1.586 người Việt kiều từ Campuchia về sinh sống. Trong đó, riêng ở ấp Tà Dơ có 170 hộ với gần 600 nhân khẩu, tăng 50 hộ (200 nhân khẩu) so với năm trước. Tất cả những Việt kiều này mới đăng ký lưu trú chứ chưa được nhập hộ khẩu, nhập quốc tịch hay làm giấy chứng minh nhân dân. Họ không có đất ở, nhà ở và công ăn việc làm ổn định.
Sự có mặt của những lưu dân này kéo theo nhiều hệ lụy cần giải quyết. Khi có Việt kiều muốn lấy vợ, lấy chồng với người dân địa phương, đến UBND xã đăng ký kết hôn, xã không biết làm sao để xác nhận cho họ vì không biết gốc gác, lai lịch ra sao, có kết hôn chưa? Nhà ở của họ được cất theo kiểu nhà sàn trên các cây rừng cao lêu nghêu, có cây đã mục, khi mùa nước lên cao, đêm hôm mưa dông, sợ nhà của họ sập, trẻ em té xuống nước dễ bị tai nạn. Ông Nguyễn Văn Tha, Trưởng ban Quản lý ấp Tà Dơ, cho biết: “Mặc dù trẻ em Việt kiều chưa có giấy khai sinh nhưng vẫn được chính quyền địa phương tạo điều kiện đến trường học miễn phí, vận động các nhà hảo tâm tặng sách vở nhằm hỗ trợ việc học hành cho các cháu”.
Còn tại xã Tân Hòa, số hộ Việt kiều về làm ăn sinh sống trên địa bàn năm 2013 có 115 hộ, nay tăng lên có 121 hộ với 600 nhân khẩu. Qua chuyến đi thực tế ở tổ 8, ấp Cây Khế, chúng tôi cũng ghi nhận được tình hình tương tự, trong đó có nhiều hộ không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh nên đời sống gặp nhiều khó khăn đang là bài toán khó cho chính quyền địa phương.
Và trong tình hình sông Mê Công đang ngày một cạn nước do các nhà máy thủy điện chặn ở thượng nguồn thì việc bà con Việt kiều lâu nay sinh sống bằng nghề đánh bắt cá ở Biển Hồ sẽ khó khăn trong việc chuyển đổi nghề nên nhiều khả năng sẽ có thêm bà con trở về nước sinh sống. Do đó, ngay từ lúc này tỉnh không những cần sự quan tâm của các ban, ngành tỉnh Tây Ninh mà còn cần tới sự hỗ trợ của một số bộ, ngành ở Trung ương để tạo điều kiện cho bà con có nguyện vọng chính đáng muốn ổn định cuộc sống trên đất mẹ nhưng đồng thời cũng đảm bảo được mối quan hệ bang giao thân thiện giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
Đại Dương