Doanh nghiệp sản xuất nhựa Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng 11% ổn định trong suốt 5 năm qua. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng ngành nhựa được dự đoán sẽ tăng lên 15%. Chỉ có điều mức độ đóng góp trong tỷ lệ tăng trưởng này sẽ không nghiêng về doanh nghiệp nội mà thuộc các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp nội
Mức độ tăng trưởng ổn định và ấn tượng của ngành nhựa tại Việt Nam đã hấp dẫn những công ty nhựa lớn nước ngoài tham gia đầu tư tại Việt Nam. Tính trên cả nước hiện có khoảng gần 1.500 doanh nghiệp nhựa đang hoạt động. Số lượng doanh nghiệp nội vẫn đang chiếm ưu thế với 85%. Thế nhưng, khi xét về chất lượng đầu tư thì ngược lại. Hiện doanh nghiệp ngoại tuy chỉ có khoảng 15% số lượng nhưng lại chiếm tới 40% tổng đầu tư toàn ngành với trang thiết bị máy móc, công nghệ thuộc dạng hiện đại nhất hiện nay. Nguồn nhân lực tham gia tại nhà máy của họ cũng thuộc dạng tay nghề cao và trình độ hơn hẳn nguồn nhân lực đang hoạt động tại các doanh nghiệp nội. Trong năm 2016, khi Nhà nước thực hiện thoái vốn đầu tư tại nhiều doanh nghiệp nhựa, mức tổng đầu tư toàn ngành của ngành nhựa sẽ tiếp tục thay đổi mạnh theo hướng doanh nghiệp ngoại chiếm 60%. Trước đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã lên tiếng sẽ mua lại toàn bộ cổ phần của Nhà nước thoái vốn tại các công ty nhựa.
Sản xuất ống nhựa tại doanh nghiệp ngành nhựa xây dựng Ảnh: CAO THĂNG
Trên thực tế, nhìn toàn cảnh ngành nhựa hiện nay, đã định hình khá rõ sự chi phối thị trường ngành nhựa đang rơi vào tập đoàn nước ngoài. Trong đó, đáng kể nhất là Tập đoàn SCG của Thái Lan. Chỉ trong vòng 5 năm lại đây, tập đoàn này thông qua các công ty con lần lượt thâu tóm hoặc trở thành cổ đông lớn tại 21 công ty nhựa Việt Nam. Các công ty này đều là nhà cung cấp chủ lực trên thị trường trong lĩnh vực xây dựng, bao bì và sản phẩm tiêu dùng gia dụng. Chỉ tính riêng với việc sở hữu Công ty cổ phần nhựa Bình Minh và Tiền Phong, chiếm đến 50% thị trường ống nhựa xây dựng tại Việt Nam. Và với việc đánh tiếng mua lại toàn bộ cổ phần thoái vốn từ Nhà nước, SCG sẽ đạt mục tiêu thâu tóm hai doanh nghiệp này và thống trị ngành nhựa xây dựng tại Việt Nam. Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng, ngay trên lĩnh vực sản xuất sản phẩm bao bì, gia dụng, doanh nghiệp Thái cũng đang chiếm ưu thế. Các tập đoàn lớn Thái Lan đang thực hiện chính sách bán bằng hoặc thấp hơn giá vốn để đẩy sâu hàng vào thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM cho biết, thời gian gần đây, thị phần tiêu thụ của các doanh nghiệp nhựa Việt Nam không ngừng bị thu hẹp. Nguyên nhân là do họ có nguồn nguyên liệu nội địa. 85% nguồn nguyên liệu sản xuất tương đương khoảng 3,4 triệu tấn nhựa mỗi năm phải nhập khẩu. Hai nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa với tổng vốn đầu tư hơn 31 tỷ USD đã được khởi công xây dựng tại Việt Nam nhưng thay vì chia sẻ nguồn nguyên liệu trong nước cho các doanh nghiệp nội thì chủ đầu tư người Thái chỉ ưu tiên cung ứng trong chuỗi sản xuất của họ. Mặt khác, sản phẩm nhựa Việt Nam còn nhiều hạn chế do mẫu mã, chủng loại đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Không chỉ vậy, ngành nhựa trong nước cũng chưa có các cơ sở nghiên cứu phát minh về công nghệ và kỹ thuật, chưa sản xuất được các chi tiết cao cấp để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
Tăng xuất khẩu, giảm rủi ro ngắn hạn
Theo nhận định Hiệp hội Nhựa Việt Nam, năm 2016, những khó khăn gặp phải tại thị trường nội địa vẫn chưa được tháo gỡ. Do vậy, doanh nghiệp nội vẫn ưu tiên đầu tư hoạt động xuất khẩu bao bì bởi phù hợp với năng lực. Hai thị trường tiềm năng được hướng đến nhất là thị trường châu Âu và Mỹ. Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su - Nhựa TPHCM cho biết, tại hai thị trường này, kim ngạch xuất khẩu nhựa của nước ta chỉ mới chiếm 2% thị phần và đang được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0%. Trong khi, sản phẩm cùng loại từ các nước khác nhập khẩu vào thị trường này đang bị đánh mức thuế rất cao từ 10%- 30%. Mặt khác, sản phẩm nước ta không phải cạnh tranh với sản phẩm nội địa do các doanh nghiệp sở tại có xu hướng đóng cửa hoặc chuyển đổi sản xuất do giá thành nhân công cao. Chính phủ các nước châu Âu và Mỹ cũng không dành ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực này và họ có xu hướng khuyến khích nhập khẩu thành phẩm từ những nước khác.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp phát triển ngắn hạn. Ông Lê Ngọc Trung, Phó Cục trưởng Cục phía Nam Bộ Công thương khẳng định, sở dĩ khối doanh nghiệp ngoại đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam vì tiềm năng thị trường rất lớn. Lượng nhựa tiêu thụ bình quân của mỗi người Việt khoảng 55kg/năm và tăng 14% mỗi năm. Chưa hết, việc hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên đã mở ra cơ hội rất lớn cho ngành sản xuất nhựa trong nước. Do đó, về lâu dài, Bộ Công thương đang triển khai hỗ trợ doanh nghiệp nhựa chuyển dịch cơ cấu nhóm sản phẩm nhựa theo hướng giảm tỷ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng dần tỷ trọng nhóm nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật. Với những dự án đầu tư cho sản xuất khuôn mẫu, thiết bị ngành nhựa có thể được vay vốn tín dụng đầu tư là 85% tổng mức đầu tư.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, để có thể cạnh tranh trên thị trường nội địa hoặc chuyển đổi đầu tư vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao không thể nói bằng miệng hoặc khẩu hiệu. Khả năng cho vay vốn của Chính phủ cũng không đủ nhiều để có thể đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm có giá trị cao. Mặt khác, vấn đề lo ngại nhất của doanh nghiệp nội dù đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết là cung ứng nguồn nguyên liệu tại chỗ và kết nối thị phần tiêu thụ trong hệ thống chuỗi cung ứng. Nước ta đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp ngoại đầu tư nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn không thể chen chân vào chuỗi cung ứng cho dù năng lực có thừa hoặc chất lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn yêu cầu. Và nếu câu chuyện quả trứng hay con gà có trước chưa được giải quyết thì hướng đầu tư “ăn xổi ở thì” vẫn là hướng dài hơi trong nhiều năm tới.
ÁI VÂN