Trong bối cảnh chất lượng thực phẩm tranh tối tranh sáng, người tiêu dùng Việt Nam đang hướng đến tiêu dùng thực phẩm sạch, thực phẩm organic được cấp các chứng nhận an toàn vệ sinh nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Xuất phát từ thực tế đó, nhiều doanh nghiệp, nông hộ đã bắt đầu chuyển hướng kinh doanh, trồng trọt theo hướng tạo ra những sản phẩm hữu cơ (organic) và có đầu tư cho thương hiệu sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Vượt rào cản kỹ thuật với sản xuất sạch
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, hiện lượng thực phẩm tiêu thụ bình quân đầu người tăng 17%/năm. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, lượng tiêu thụ thực phẩm dự kiến tăng ở mức 18,6%/năm. Các sản phẩm thực phẩm chế biến có mức tăng trưởng cao là hải sản, sữa và các sản phẩm từ sữa, sản phẩm đường, mì ăn liền và một số loại nông sản chủ lực như gạo, cà phê và rau củ quả. Riêng những loại sản phẩm sữa và các sản phẩm từ sữa, nông sản, ngoài có mức tiêu thụ cao trong nước còn gia tăng nhu cầu về sản lượng nhờ tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới, nhất là tại hơn 50 quốc gia mà Việt Nam là thành viên hiệp định thương mại.
Thực phẩm organic bán tại một cửa hàng ở quận 7 Ảnh: THÀNH TRÍ
Tuy nhiên, cùng với những điều kiện thuận lợi về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ, chất lượng sản phẩm, nhất là rào cản liên quan đến tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cũng sẽ ngày càng thắt chặt. Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước cũng như nông hộ đã và đang chuyển hướng sang sản xuất sản phẩm organic. Ông Phan Minh Tiên, Giám đốc Điều hành của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), chia sẻ, công ty vừa được tổ chức Control Union chứng nhận trang trại bò sữa đầu tư và xây dựng tại Lâm Đồng là trang trại bò sữa organic đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn châu Âu - tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm chất lượng cao cấp nhất hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, để đạt được chứng nhận này đòi hỏi quy trình sản xuất phải tuân theo các quy định vô cùng nghiêm ngặt như hoàn toàn không có sự can thiệp của hóa chất, thuốc kháng sinh, hormon tăng trưởng hay sử dụng các thành phần biến đổi gene... Trang trại bò sữa organic được Vinamilk đầu tư xây dựng với quy mô hiện tại là 500 con bò sữa hữu cơ phải được chăn thả tự nhiên trong điều kiện thời tiết và môi trường được đánh giá tương đồng với châu Âu, phù hợp cho sinh lý bò sữa. Bên cạnh đó, công nghệ chăm sóc bò tại trang trại bò sữa organic phải là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, thân thiện và bảo vệ môi trường theo định hướng phát triển bền vững.
Ông Richard De Boer, đại diện Tổ chức Chứng nhận Control Union nhấn mạnh thêm, các loại thực phẩm organic được sản xuất phải giàu các chất dinh dưỡng tự nhiên, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe của người sử dụng. Tại các nước châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, xu hướng sử dụng thực phẩm organic đang trở nên phổ biến trong nhiều năm nay nhờ những lợi ích rõ rệt cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, trong bối cảnh những nước trên đang là thị trường tiêu thụ truyền thống sản phẩm thực phẩm chế biến, nông sản của Việt Nam thì doanh nghiệp và nông dân Việt Nam cần có những bước chuyển biến thích hợp với xu thế này nếu không muốn bị mất thị trường tiêu thụ trong thời gian tới.
Cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Việt
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, hiện bộ đang rất quyết liệt trong hoạt động kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt… Một số giải pháp đã và đang thực hiện như canh tác trên cánh đồng mẫu lớn để quản lý hiệu quả việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đầu vào; quy hoạch lại vùng nguyên liệu sản xuất kết nối với hệ thống phân phối để sản xuất nông sản hữu cơ. Tuy nhiên, có thực tế nông sản hữu cơ sạch xuất khẩu nhiều hơn phân phối trong nước.
Bà Võ Ngân Giang, phụ trách chương trình FAO-ECATAD thực phẩm an toàn, Tổ chức nông lương Liên hiệp quốc tại Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm thực tế thông qua các dự án thực phẩm an toàn Mộc Châu, Lâm Đồng cho thấy, để phát triển thương hiệu nông sản organic Việt Nam, Chính phủ cần có những chính sách hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ người nông dân cải tiến quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm sạch ngay từ đầu vào kết hợp với đầu thương hiệu cho sản phẩm thông qua nhãn hiệu, bao bì. Đồng thời, kết hợp các hệ thống phân phối, đưa hệ thống phân phối đến tham quan những mô hình sản xuất của người nông dân, tổ chức xúc tiến, giới thiệu sản phẩm sạch của doanh nghiệp, nông dân đến cộng đồng thông qua các hội nghị, triển lãm, truyền thông cộng đồng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông cộng đồng, giáo dục về an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước thiết lập thị trường cạnh tranh công bằng cho sản phẩm organic mà ở đó, người tiêu dùng phải được nhận diện rõ và ưu tiên tiêu dùng cho loại sản phẩm có lợi cho sức khỏe của mình.
MINH XUÂN