
Trên trang “Pháp luật và công dân” số ra mới đây, chúng tôi đã đề cập đến vấn đề xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng mà cơ quan thanh tra chuyển sang cơ quan điều tra. Mặc dù Thông tư liên tịch 03 (Thông tư 03) ngày 23-5-2006 giữa Thanh tra Chính phủ, Viện KSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định rất rõ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong việc xử lý các kiến nghị kết luận thanh tra có dấu hiệu phạm tội, thế nhưng hiệu lực và hiệu quả đạt được thời gian qua là rất thấp. Chúng tôi xin được đưa ra một số ý kiến từ cơ quan thanh tra về quan điểm và quá trình thực hiện Thông tư 03.
Tổng Thanh tra Chính phủ TRẦN VĂN TRUYỀN: Công khai các vụ việc “có vấn đề”

Hệ thống tổng thể các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng được chúng ta đưa ra từ trước đến nay tập trung chủ yếu vào ngăn chặn, phòng ngừa là chính.
Quan điểm của ngành thanh tra trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị kết luận thanh tra cũng đặt nặng phòng ngừa và công khai hóa, không có việc gì phải giấu giếm. Sai đến đâu, chúng ta kiến nghị xử lý đến đó. Mà đã xử lý là phải kiên quyết, dứt điểm, không được dây dưa kéo dài.
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp của các cơ quan chức năng đã được Thông tư 03 quy định. Tôi thấy, nhiều vụ việc kiến nghị xử lý sau thanh tra vừa rồi chưa được thực hiện nghiêm; có nhiều nơi còn cố tình bưng bít, bao che, không dám công khai quá trình xử lý các sai phạm đã được thanh tra kiến nghị kết luận. Tình trạng cơ quan điều tra “ngâm” hồ sơ của cơ quan thanh tra chuyển sang xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, gây cản trở cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Hiện nay tình trạng tham nhũng còn nhiều, cần phải có những giải pháp đủ mạnh trong việc phát hiện, đấu tranh và điều tra, truy tố các vụ việc có dấu hiệu phạm tội mà cơ quan thanh tra chuyển sang.
Luật Thanh tra đã quy định, bản kết luận thanh tra là văn bản công khai. Công khai ở đây không chỉ cho các đối tượng thanh tra, mà còn đối với các cơ quan có thẩm quyền xử lý và cả công khai cho công luận, xã hội biết. Các vụ việc “có vấn đề” mà thanh tra kết luận rồi thì phải công khai thì mới xử lý triệt để được.
Phó Chánh Thanh tra TPHCM HOÀNG ĐỨC LONG: Nâng cao hiệu lực giải quyết và thực hiện các kiến nghị kết luận thanh tra

Năm 2008, Thanh tra TPHCM đã thực hiện 516 cuộc thanh tra hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước, trong đó có 452 cuộc đã được kết luận. Tuy nhiên, tỷ lệ các kiến nghị kết luận thanh tra về thu hồi tài sản và xử lý hành chính được thực hiện chỉ chiếm hơn 50% (trong đó thu hồi tài sản sai phạm gần 60%).
Có nhiều vụ thanh tra kết luận kiến nghị xử lý tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng thực tế thu hồi được rất ít. Còn các kiến nghị kết luận thanh tra có dấu hiệu hình sự mà cơ quan thanh tra phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra từ năm 2006 đến nay là hơn 10 vụ, thế nhưng chưa có vụ nào được đưa ra khởi tố, điều tra.
Điều này cho thấy, tính hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra còn thấp và chưa có tác dụng ngăn ngừa, răn đe tham nhũng. Theo tôi, nếu các kiến nghị kết luận thanh tra được thực hiện nghiêm và đạt tỷ lệ cao, sẽ tác động thiết thực nhất đến việc phòng ngừa và hạn chế sai phạm.
Ví dụ như tại Công ty Cofidec, năm 2004 thanh tra phát hiện sai phạm tại đây chỉ vài chục tỷ đồng, nhưng đã không được chấn chỉnh kịp thời. Đến năm 2008 thanh tra lại thì phát hiện tài sản thất thoát lên đến hơn 100 tỷ đồng. Vụ việc sau đó được chuyển sang cơ quan điều tra, nhưng tới nay vẫn chưa xử lý được. Còn rất nhiều vụ việc khác nữa mà cơ quan thanh tra chuyển sang cơ quan điều tra trong nhiều năm qua nhưng không được trả lời có khởi tố hay không khởi tố vụ việc theo pháp luật.
Luật Phòng, chống tham nhũng có 48/92 điều thể hiện quan điểm phòng ngừa là chủ yếu. Phòng tốt thì xảy ra sai phạm ít, dẫn đến xử lý ít (hành chính và hình sự) và ít mất cán bộ, mất tài sản. Ngược lại, phòng ngừa kém, dẫn đến sai phạm nghiêm trọng, từ đó làm mất cán bộ, mất tài sản và mất cả niềm tin trong nhân dân.
Hàng năm, ngành thanh tra cả nước tiến hành hơn 10.000 cuộc thanh tra (TPHCM gần 1.000 cuộc), trong đó có hàng ngàn kiến nghị kết luận thanh tra. Chỉ cần có từ 70% đến 80% các kiến nghị kết luận thanh tra được thực hiện, sẽ góp phần đáng kể vào phòng ngừa tham nhũng. Từ thực tế trên, theo tôi cần phải nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực giải quyết các kiến nghị kết luận thanh tra; kiên quyết đấu tranh với những sai phạm ngay khi cơ quan thanh tra phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm để ngăn ngừa hậu quả sau này.
HOÀI NAM (tổng hợp)