Xử lý nghiêm vi phạm về bảo vệ môi trường

Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) vừa đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, theo đó mức phạt tiền cao nhất lên đến 400 triệu đồng. 

Bổ sung biện pháp buộc di dời 

Nghị định 155/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã tạo sự chuyển biến tích cực, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có ý thức khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm, quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường và thu gom, quản lý, xử lý chất thải…

Tuy nhiên, theo Bộ TN-MT, việc triển khai thực hiện Nghị định 155 còn một số tồn tại, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế hiện nay. Chẳng hạn như nghị định chưa quy định rõ đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, nên nhiều trường hợp bị lúng túng khi áp dụng xử phạt khi đối tượng là chi nhánh, cơ quan quản lý nhà nước nhưng được giao nhiệm vụ đầu tư dịch vụ công; biện pháp khắc phục hậu quả quy định chung cho các hành vi chưa cụ thể… Chính vì thế, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 155/2016 là cần thiết, nhằm đáp ứng với tình hình thực tiễn.

Xử lý nghiêm vi phạm về bảo vệ môi trường ảnh 1 Sẽ có quy định về xử phạt hành vi lấn chiếm đất ngập nước (Trong ảnh: Vùng đất ngập nước Bàu Sấu - Vườn quốc gia Nam Cát Tiên). Ảnh: CÁT TIÊN

Dự thảo nghị định sửa đổi được Bộ TN-MT đề xuất nhiều điểm mới. Trong đó, bổ sung quy định cụ thể các tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, gồm: DN tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc DN được thành lập theo quy định của Luật DN; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã; nhà đầu tư nước ngoài; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam…

Bộ TN-MT cũng đề xuất bổ sung các biện pháp là buộc di dời dự án, cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; buộc đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận; lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án cải tạo, nâng cấp, bổ sung các công trình bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; bổ sung quy định việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ chứng minh hậu quả hoặc số lợi bất hợp pháp thu được do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Dự thảo cũng nêu rõ, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường đã cam kết trong kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận; xây lắp không đúng quy định đối với công trình xử lý chất thải đã cam kết trong kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận; không có biện pháp thu gom triệt để nước thải, khí thải phát sinh trong quá trình hoạt động để xử lý theo quy định.

Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; không đăng ký lại kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định. Ngoài ra sẽ áp dụng thêm các hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cơ sở cao nhất là 9 tháng.

Phạt nặng vi phạm về bảo tồn

Bộ TN-MT cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung xử phạt vi phạm các quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên.

Cụ thể, dự thảo đề xuất xử phạt 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi đưa vật tư, thiết bị để xây dựng công trình, nhà ở, lán trại, cư trú trái phép vào phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn; phạt 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi đưa vật tư, thiết bị để xây dựng công trình, nhà ở, lán trại, cư trú trái phép vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn; phạt 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi xây dựng công trình, nhà ở, lán trại tại phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn; phạt 50 - 80 triệu đồng đối với hành vi xây dựng công trình, nhà ở, lán trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn; phạt 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn.

Bên cạnh đó, đối với các hành vi tác động đến hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn gây thiệt hại đến cảnh quan, hệ sinh thái tự nhiên như đào bới, san ủi, nổ mìn, đào đắp ngăn nước, sử dụng lửa, các chế phẩm độc hại, lấn chiếm đất ngập nước, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ TN-MT đề xuất mức xử phạt từ 250 - 400 triệu đồng.

Trong đó, việc xử phạt hành vi lấn chiếm đất ngập nước, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là đề xuất mới mà quy định hiện hành chưa có.

Tin cùng chuyên mục