Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan kiểm tra thực hiện chính sách bảo vệ môi trường tại Bình Dương (trước đây)

Sáng 24-7, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan dẫn đầu Đoàn giám sát của Quốc hội kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tại khu vực tỉnh Bình Dương trước đây.

Cùng tham dự có các đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM; Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; lãnh đạo các sở ngành cùng đại diện Công ty CP – Tổng Công ty Nước – Môi trường Bình Dương (BIWASE) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam.

IMG_0933.JPG
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan kiểm tra tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương. Ảnh: XUÂN TRUNG

Đoàn đã khảo sát thực địa tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương, bao gồm các khu vực tiếp nhận, xử lý, tái chế, đốt rác phát điện, khu vực gạch thành phẩm, lọc nước…

Theo báo cáo của BIWASE, công ty hoạt động với các lĩnh vực kinh doanh chính: Sản xuất - kinh doanh nước sạch; Thu gom, vận chuyển, xử lý rác; xử lý nước thải.

IMG_0943.JPG
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cùng Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Nguyễn Văn Lợi trao đổi trong buổi kiểm tra, giám sát

Về lĩnh vực cấp nước, hiện đơn vị đang quản lý 9 nhà máy nước tại Bình Dương (trước đây), và tham gia vận hành trên 17 nhà máy cấp nước tại nhiều tỉnh, thành như TPHCM, Đồng Nai, Bình Phước, Long An, Cần Thơ, Vĩnh Long, Quảng Bình (theo địa giới hành chính cũ).

Về môi trường, BIWASE đang vận hành khu xử lý chất thải diện tích 100ha, công suất 2.800 tấn rác/ngày; cùng 4 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt công suất 90.000m³/ngày.

IMG_0952.JPG
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Minh Thạnh (bìa trái) trao đổi cùng đoàn giám sát Quốc hội tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương. Ảnh: XUÂN TRUNG

Rác sinh hoạt sau phân loại được tái chế thành phân bón hữu cơ (thương hiệu Con Voi Bình Dương); phần còn lại được đốt, tro xỉ tiếp tục chế tạo vật liệu xây dựng thân thiện môi trường như gạch không nung, gạch xây, bê tông tái chế... Tổng vốn đầu tư đến nay ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

z6836018780073_0f0e2044ed7963c71a87de0b09287dc0.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác kiểm tra tại nhà máy xử lý nước thải đô thị Thuận An. Ảnh: HỒ VĂN

Hoạt động của 4 nhà máy xử lý nước thải đã góp phần cải thiện chất lượng môi trường nước tại các kênh, rạch, suối trên địa bàn; góp phần giảm thiểu ô nhiễm cho các kênh rạch, đặc biệt là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nước phục vụ cấp nước sạch cho TPHCM và các vùng phụ cận.

Tuy nhiên, BIWASE hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, như: chưa có định mức tiêu hao chi phí cho các công đoạn xử lý và hoạt động dịch vụ vận hành bảo trì nhà máy, chưa được phê duyệt giá dịch vụ thoát nước cho các nhà máy, dẫn đến chưa thể tổ chức đấu thầu vận hành. Ngoài ra, công tác tuyên truyền người dân đấu nối hệ thống nước thải còn hạn chế do chi phí cao và thiếu quy định pháp lý ràng buộc.

Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát Quốc hội dự kiến sẽ làm việc với lãnh đạo UBND TPHCM và các sở ngành.

Tin cùng chuyên mục