Một tháng, phát hiện 1.789 vụ vi phạm
Ngày 20-7, xe tải mang biển số 60C-152.69 khi lưu thông qua cầu cống đập Rạch Chiếc, thuộc địa bàn quận 9 (TPHCM), đã bị lực lượng thuộc Đội TTGTVT số 5 phát hiện chất hàng cồng kềnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, xe tải này chở hàng vượt quá tải trọng cho phép của cầu từ 50% - 100%. Lái xe Vũ Mạnh Hoàng và chủ phương tiện là Công ty TNHH MTV Hóa Cảnh đã bị lập biên bản xử lý. Một vụ vi phạm khác xảy ra vào ngày 8-7 tại Trạm cân số 3 trên đường Nguyễn Văn Linh (thuộc quận 7), Đội TTGTVT số 6 phát hiện Hợp tác xã Vận tải cơ giới Sao Mai giao phương tiện cho người làm công điều khiển chở hàng vượt trọng tải 100%. Cũng tại trạm cân này, lái xe Trần Thiên Định cũng bị lập biên bản xử lý vì điểu khiển xe tải 72C-097.42 chở hàng vượt trọng tải từ 10% - 30%. Ngày 10-7, tại cột số 10 A1 trước ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, Đội TTGTVT số 8 lập biên bản xử lý đối với ông Nguyễn Quốc Sử, lái xe thuộc Hợp tác xã Vận tải du lịch quận 11 vì hành vi điều khiển ô tô 51F-933.14 hoạt động theo hình thức Grab nhưng không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở mặt ngoài 2 bên cửa xe theo quy định. Một ngày tuần cuối tháng 7, Đội TTGTVT số 5 lập biên bản xử lý lái xe Vũ Quốc Lưu điều khiển ô tô 51C-927.94 đi vào đoạn đường cấm trên đường Nguyễn Xiển (quận 9). Ngày 9-7, khi tác nghiệp tại nút giao thông vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2), Đội TTGTVT số 5 phát hiện xe tải 60C-311.27 khi lưu thông chở theo hàng rời nhưng không phủ bạt che, để hàng rơi vãi xuống đường; đồng thời, phương tiện cũng không có phù hiệu theo quy định. Hai biên bản đã được lập cho lái xe Lê Văn Hùng và chủ phương tiện là bà Lê Thị Thu Trang.
Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM Trần Quốc Khánh cho biết, chỉ riêng trong tháng 7 vừa qua, thông qua các cuộc thanh tra độc lập, công tác phối hợp kiểm tra liên ngành và kiểm tra thường xuyên theo thẩm quyền, lực lượng Thanh tra Sở GTVT đã phát hiện và xử lý tổng cộng 1.789 vụ vi phạm hành chính trên lãnh vực giao thông đường bộ và đường thủy nội địa với tổng số tiền phạt mà các phương tiện vi phạm nộp là hơn 5 tỷ đồng (tăng 3,17% về số vụ vi phạm và tăng 14,86% số tiền xử phạt so với tháng trước đó).
Trong số này, chỉ riêng lãnh vực kinh doanh vận tải hàng hóa, đã phát hiện và xử lý 225 vụ với số tiền phạt hơn 1,1 tỷ đồng. Các dạng thức vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa rất đa dạng. Đó là vi phạm về phù hiệu, chở hàng vượt trọng tải thiết kế cho phép, điều khiển phương tiện vượt quá tải trọng của cầu và đường bộ, dừng đỗ phương tiện không đúng nơi quy định…
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Từ nhiều năm qua, chính quyền TPHCM đã có nhiều quan tâm, chú trọng đến vấn đề quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; thậm chí trong 2 năm liền (2014 và 2015), chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” đã được chính quyền thành phố chọn làm nhiệm vụ trọng tâm. Xuyên suốt thời gian, thành phố đã bám sát chủ đề này cũng như áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn.
Trong 2 vấn đề này, kiểm soát tải trọng phương tiện đã và đang được lực lượng chức năng thực hiện khá tốt nhờ 2 yếu tố chính. Một mặt, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng chức năng, gồm Thanh tra GTVT, Cảnh sát giao thông, lực lượng Thanh niên xung phong. Mặt khác, tăng cường việc kiểm soát, ngăn ngừa, phát hiện từ gốc các hành vi vi phạm về tải trọng.
Cho đến nay, yếu tố thứ nhất đã được đảm bảo khi sự phối hợp giữa các lực lượng trong quy trình kiểm tra tải trọng phương tiện rất nhuần nhuyễn. Theo đó, phần việc của Cảnh sát giao thông là dừng phương tiện, Thanh tra GTVT đảm trách kiểm tra giấy tờ của phương tiện và tiến hành cân xe, còn lực lượng Thanh niên xung phong phụ trách hướng dẫn phương tiện ra vào trạm cân. Một khi phát hiện phương tiện vi phạm, thông thường, Thanh tra GTVT sẽ lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, ngoại trừ trường hợp có lỗi hỗn hợp, sẽ do Cảnh sát giao thông ra biên bản xử phạt.
Đội trưởng Lê Hoàng Nam của Đội TTGTVT số 5, đơn vị quản lý khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố, cho biết thêm rằng bên cạnh công tác kiểm tra, xử lý lái xe, chủ xe vi phạm chở hàng quá tải, Đội TTGTVT số 5 cũng phối hợp với lực lượng Cảng vụ Hàng hải thành phố vào tận các kho, bãi bên ngoài cảng Cát Lái (quận 2) để kiểm tra và vận động các chủ, kho bãi cam kết không chứa chấp hoặc bốc xếp hàng hóa cho các xe đầu kéo chở quá tải ở khu vực đường nội bộ thuộc Khu công nghiệp Cát Lái, đường Lê Phụng Hiểu, đường Nguyễn Thị Định…
Chánh Thanh tra Sở GTVT Trần Quốc Khánh cho biết, trong những tháng tới, lực lượng TTGTVT sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các công trình thi công trên đường bộ và đường thủy, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Kiểm tra các bến thủy vận chuyển hành khách ngang sông mới đưa vào hoạt động; kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh các hoạt động đưa rước khách của xe buýt trong viêc dừng, đón trả khách…
Với mục tiêu ngăn chặn chất hàng quá tải từ nguồn, Sở GTVT đã phối hợp với Công an TPHCM, tổ chức ký cam kết với hàng chục đơn vị đầu mối hàng hóa lớn (các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, bến, kho hàng trên toàn địa bàn thành phố) về kiểm soát tải trọng tại các đầu mối hàng hóa. Sau đó, 2 đơn vị trên tiếp tục ký cam kết với 34 bến thủy nội địa với nội dung tương tự. Các bên ký cam kết không để chủ phương tiện hay lái xe xếp hàng lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép trước khi tham gia giao thông.