Xử lý vi phạm về tiếng ồn

Xử lý vi phạm về tiếng ồn

Người dân ở nhiều khu dân cư TPHCM rất bức xúc vì bị tiếng ồn hành hạ. Tiếng máy từ các hoạt động sản xuất trong khu dân cư, tiếng karaoke của hàng xóm, tiếng nhạc xe kẹo kéo, tiếng ồn ào đám tiệc ở ngay trong khu phố, tiếng còi xe chát chúa, tiếng kèn trống đám tang kéo dài nhiều ngày… thực sự là nỗi khốn khổ với nhiều người. Ngoài ra, còn có tiếng ồn từ loa phóng thanh, từ các tiệm sửa xe/garage, tiếng xe cộ… cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống ở khu dân cư.

Theo quy định pháp luật, hành vi gây tiếng ồn, tùy mức độ có thể bị xử lý theo quy định tại Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với mức phạt tiền tối thiểu từ 1 - 5 triệu đồng khi tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 5 decibel, tối đa từ 140 - 160 triệu đồng khi tiếng ồn vượt trên 40 decibel. Bên cạnh đó, còn có hình thức phạt bổ sung, buộc khắc phục vi phạm...

Minh họa: A.DŨNG

Thế nhưng, trên thực tế, việc xử lý các vi phạm về tiếng ồn không dễ. Rất khó khăn để có thể thu thập được chứng cứ làm cơ sở xử lý. Chẳng hạn, một tiệm sửa xe gắn máy thường xuyên nổ máy gây ồn, nhưng việc ghi nhận âm lượng đó thực hiện ở đâu (tại tiệm sửa xe hay ở nhà hàng xóm?), vào lúc nào (lúc âm thanh có cường độ cao hay đo thường xuyên rồi lấy chỉ số bình quân?), ai thực hiện (các nhà hàng xóm tự ghi lại âm thanh gây ồn hay do tổ chức, cá nhân được ủy quyền hoặc được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ này?), thực hiện bằng phương tiện gì, phương tiện đó đăng ký kỹ thuật ở đâu… Sau đó, việc xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm được tiến hành như thế nào để bảo đảm đúng trình tự và các quy định của pháp luật? Thực tế hiện nay, các cơ quan thực hiện việc xử lý này chưa được kiện toàn, chỉ đủ khả năng xử lý những trường hợp rất nghiêm trọng, còn những trường hợp thường ngày ở khu dân cư thì… bó tay! Vì lẽ đó, giải pháp khắc phục nạn ô nhiễm tiếng ồn hiện nay gần như chỉ là vận động, nhắc nhở và phần nhiều tùy theo sự tự giác của cá nhân vi phạm và sự chịu đựng của “nạn nhân”. Biện pháp chống ồn hiện rất ít được quan tâm, trừ những “người trong cuộc”.

Trong điều kiện đó, công tác tuyên truyền, vận động vẫn là chủ yếu, nên cần thực hiện thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức. Về lâu dài, các biện pháp chế tài đối với tổ chức và cá nhân vi phạm phải được thực hiện đầy đủ, cụ thể hơn, trong đó cần quy định rõ cách thức ghi nhận tiếng ồn, thiết bị và cơ quan thực hiện, đồng thời tổ chức các bộ phận thực hiện công tác này một cách chuyên nghiệp, quy mô và đều khắp, nhất là ở các đô thị hoặc khu vực đông dân cư. Bên cạnh đó, một số hoạt động sản xuất, kinh doanh cần có thêm điều kiện về hạn chế tiếng ồn, nếu nơi nào vi phạm nghiêm trọng thì bị rút giấy phép hoạt động.

TRỊNH MINH GIANG
(Thủ Đức, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục