Năm 2013, Bộ GD-ĐT nêu quyết tâm siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng đào tạo đại học. Một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra đối với giáo dục đại học (GDĐH) là tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh các sai phạm. PV Báo SGGP đã trao đổi với Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Huy Bằng về vấn đề này.
* Phóng viên: Kế hoạch thanh tra, chấn chỉnh xử lý các sai phạm trong GDĐH năm 2013 sẽ được triển khai ra sao?
Năm 2013, việc thanh tra không nhằm vào một đối tượng cụ thể nhưng sẽ có trọng tâm để qua đó tác động đến toàn hệ thống. Chúng tôi sẽ tập trung thanh tra hoạt động liên kết đào tạo trong nước và ngoài nước, thanh tra đào tạo không chính quy vừa làm vừa học, tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc thực hiện điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục về điều kiện cơ sở vật chất, về đội ngũ giảng viên cơ hữu đúng như tinh thần Kết luận số 51-KL/TƯ Hội nghị lần thứ 6 BCH TƯ Đảng khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục.
* Kế hoạch thanh tra tới đây sẽ rất nặng nề, nhưng thanh tra bộ có đủ nhân lực, năng lực để thanh tra toàn hệ thống?
* Thanh tra bộ không có điều kiện và cũng không cần thiết phải đến thanh tra tất cả các trường. Bộ chỉ tăng cường quản lý nhà nước về thanh tra giáo dục, ban hành các văn bản liên quan đến thanh tra, kiểm tra để đưa cả hệ thống vào cuộc. Hàng năm, ngoài thanh tra bộ, các bộ ngành, các địa phương cũng phải tiến hành thanh tra, kiểm tra. Không thể thanh tra tất cả được. Bản thân các trường phải tự thanh tra, chỉnh đốn hoạt động của mình.
* Vừa qua, Thanh tra Chính phủ kiến nghị phải thanh tra toàn diện hệ thống liên kết đào tạo ĐH và sau ĐH, nhất là có yếu tố nước ngoài. Năm 2013 này bộ có tiến hành?
* Chúng tôi đang tính để thanh tra chuyên đề này, nhưng để thanh tra tất cả các cơ sở liên kết đào tạo thì không làm được và cũng không cần làm tất cả. Bộ sẽ chỉ chọn điểm để tác động đến tổng thể. Có những địa phương, có những trường sẽ bị thanh tra toàn diện nhưng cũng có nhiều nơi chỉ thanh tra điểm.
* Trong thanh tra, quan trọng nhất là công tác giám sát sau thanh tra. Vấn đề này được thực hiện ra sao trong ngành giáo dục?
* Các đợt thanh tra năm 2012 đã quyết định dừng tuyển sinh của 4 trường và 11 ngành. Qua báo cáo của các trường và thanh tra lại của bộ, bộ đã cho 4 trường này tuyển sinh lại trong năm 2013 với chỉ tiêu hạn chế. Điều đáng mừng, các trường đều có ý thức khắc phục các sai phạm, có cải thiện lớn về đội ngũ, cơ sở vật chất. Ví dụ Trường ĐH Đông Đô thời điểm bị thanh tra chưa có đất, cơ sở toàn đi thuê nhưng sau khi bị thanh tra họ đã cố gắng mua được 3ha đất. Rõ ràng qua thanh tra đã làm thay đổi nhận thức của các trường. Tư duy trước đó của họ không cần mua đất, chỉ cần thuê cơ sở và tuyển sinh nhiều là có lãi. Nhưng giờ đây họ đã thay đổi quan điểm, họ hiểu muốn có ĐH ổn định, đàng hoàng phải có đất đai, đội ngũ tốt. Đó là tác động rất tốt sau thanh tra. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tiến hành thanh tra lại.
* Không ít trường có tâm lý năm nay chấp nhận bị phạt mấy chục triệu đồng vì tuyển sinh vượt chỉ tiêu để có lợi nhuận lớn hơn vì thanh tra không thể tái thanh tra vào năm sau. Vậy khắc phục tình trạng này ra sao?
* Chúng tôi đâu có tuyên bố năm nay thanh tra thì năm sau không thanh tra lại. Thanh tra như việc tiêm vaccine phòng bệnh, phải có tiêm nhắc lại. Bộ có chủ trương tái thanh tra và không dừng ở việc phạt hành chính các trường, vì phạt hành chính chỉ là một giải pháp, còn lại sẽ có các giải pháp khác. Vừa qua với những trường đã vi phạm về tuyển sinh sẽ không được giao tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh nữa mà bộ sẽ áp đặt, chỉ giao chỉ tiêu tối thiểu. Thực chất của việc này là bị thu hồi quyền tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Còn nữa, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đã rất mạnh mẽ khi kiến nghị các bộ ngành, địa phương xử lý kỷ luật 8 hiệu trưởng có sai phạm. Đó là những giải pháp mới. Vì giải pháp mới có thể chưa vào hệ thống 100% nhưng chắc chắn có tác động tốt. Thể hiện rõ nhất là qua việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 này, các trường đã không dám xác định vốn chỉ tiêu nữa.
* Năm ngoái, Bộ GD-ĐT đã đi thanh tra, đã chỉ ra những đơn vị sai phạm và kiến nghị bộ ngành, địa phương xử lý nhưng do thiếu phối hợp nên vẫn để xảy ra hậu quả đáng tiếc, điển hình là vụ Trường Kinh doanh Melior tại TPHCM đột ngột đóng cửa, hiệu trưởng bỏ trốn. Bộ sẽ khắc phục ra sao?
* Đã có quy định về phân cấp quản lý. Các bộ ngành, địa phương đều phải có trách nhiệm. Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ có hội nghị để tăng cường sự phối hợp, phân cấp quản lý cho hiệu quả. Có thể sự phối hợp ban đầu còn chệch choạc chứ không đến mức là họ không quan tâm, các cơ quan nhà nước đều có trách nhiệm. Sau những kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT, kể cả về dạy thêm học thêm, lạm thu, Hà Nội, TPHCM đều vào cuộc rất tốt.
* Bộ đang đề nghị tăng mức phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục? Có thể tăng ở mức nào để đủ sức răn đe?
* Tôi không nghĩ là sẽ theo hướng tăng mức tiền phạt, vì bộ chưa bao giờ sử dụng đến mức phạt tối đa là 100 triệu đồng. Tăng tiền không phải là hướng ưu tiên mà phải là các biện pháp khắc phục hậu quả. Thực tế các trường không sợ bị phạt mấy chục triệu đồng đâu, họ sợ bị dừng tuyển sinh, bị cắt chỉ tiêu, bị cấm mở ngành, đó mới là những giải pháp có tác động mạnh mà bộ hướng tới.
* Nhiều trường ĐH không tuyển được sinh viên, tại sao bộ không cho đóng cửa?
* Theo quy định, những trường, những ngành sau 3 năm thành lập mà không tuyển được thì sẽ dừng tuyển sinh hoặc tiếp tục như thế nữa sẽ đóng cửa. Nhưng đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT cũng chưa đề nghị đóng cửa trường nào. Thực ra những trường không tạo được uy tín thì bản thân việc không tuyển sinh được chắc phải theo quy luật, sẽ bị đào thải. Còn nếu vi phạm phải dùng biện pháp hành chính.
* Xin cảm ơn ông!
PHAN THẢO