Đêm 15-9 tới đây, tại Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội sẽ trình diễn chương trình nghệ thuật “Trời xanh và nỗi nhớ” bao gồm các bài thơ của nhà văn - nhà thơ Xuân Thiều được các nhạc sĩ Huy Thục, Văn Dung, Trần Hữu Bích, Doãn Nguyên, Thúy Nga, Trần Lê My, Nguyễn Thanh Bình, Tôn Thất Thành… phổ nhạc. Thêm một lần chúng ta có dịp nói về thơ và những đóng góp về thơ ca của nhà thơ - nhà văn xuất sắc Xuân Thiều (ảnh).
“Đối với tôi, thơ là nỗi nhớ. Thật vậy, tôi là người viết văn xuôi, nhưng bắt đầu đi vào con đường văn học bằng thơ. Tôi mê thơ từ khi còn là học sinh tiểu học. Thuở nhỏ tôi đã đóng một cuốn vở dày để chép lại những bài thơ hay mà tôi thích của nhiều tác giả: Huy Cận, Xuân Diệu, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Thái Can... Và dĩ nhiên cũng tập tọe làm thơ. Kháng chiến chống Pháp, vào bộ đội cũng làm thơ ghi vào sổ tay. Năm 1955, hòa bình lập lại, tôi mới có thơ in báo. Năm 1959 được về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi vừa làm thơ vừa viết văn xuôi. Một thời gian sau, tôi nghiệm thấy mình có sở trường về văn xuôi hơn, nên chuyên tâm viết các tác phẩm văn xuôi, đủ các thể loại: tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, bút ký, ký sự, kịch bản văn học... Tuy nhiên, dù sao thơ cũng là mối tình đầu nên không thể quên được. Đấy là nỗi nhớ không nguôi nên thỉnh thoảng vẫn quay về với nỗi nhớ...”.
Xuân Thiều đã có lúc tâm sự như vậy về tình yêu thơ ca - “mối tình đầu” của mình. Nói như nhà thơ Xuân Diệu, thì: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên?”. Xuân Thiều với thi ca cũng vậy. Quả là sau này khi đã gắn chặt cây bút với văn xuôi, khi đã là một nhà văn nổi tiếng viết về chiến tranh, nhưng ông vẫn không thể quên được thi ca - mối tình đầu của mình. Năm 1955 có thơ in báo và mãi đến năm 1973 ông mới cho ra mắt tập thơ đầu tay bao gồm những bài thơ viết ở chiến trường: Trước giờ ra trận - ký tên người con trai út Nguyễn Thiều Nam, và đến năm 1998, như tâm sự của nhà văn Xuân Thiều: Giờ đây vào lúc tuổi đã cao, có thể gọi là đang bước những bước cuối cùng trên con đường văn học, tôi tuyển chọn lại những bài thơ của cả đời mình in vào tập và nỗi nhớ này… Mong sao tập thơ này sẽ cùng các tập văn xuôi khác để lại một ấn tượng trung thực về chân dung văn học của mình...
Chân dung văn học ấy là gì? Nhớ lại đầu những năm chống Mỹ, Xuân Thiều có một bài thơ hay “để đời” là bài Trận địa trên cao, để rồi nửa thế kỷ sau, nhà thơ Vương Trọng còn nhắc nhớ “Tôi nghĩ nhiều về nhà văn Nguyễn Xuân Thiều, người đồng chí, đồng nghiệp, đồng hương... mà tôi được sống gần gũi hơn 30 năm. Khi chưa về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi đã thuộc lòng những câu thơ viết về trận địa phòng không trên đỉnh núi ở Hàm Rồng của ông: Giá mà kéo núi lên cao nữa/Giáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn”.
Khi chưa về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trước năm 1960, theo lời kể của nhà văn Nam Hà, Xuân Thiều thường ngâm nga hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”. “Anh Thiều ơi, khi những bài thơ, truyện ngắn đầu tiên của anh được đăng báo là cái danh bắt đầu được nhen nhóm; khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, cái danh được định hình; khi anh được Giải thưởng Nhà nước, cái danh được khẳng định. Và hôm nay, khi tên anh trở thành tên trường tiểu học xã nhà là cái danh của anh được khẳng định ở quê hương. Tên anh không chỉ hàng ngày xuất hiện với giáo viên, học sinh ở trong trường, mà trong làng xóm, đồng ruộng, chợ búa… tên anh chen vào câu chuyện của làng quê mến yêu. Các thế hệ học sinh trưởng thành sẽ mang tên anh đến các miền đất nước. Đó là niềm hạnh phúc lớn đã mấy nhà văn có được phải không anh?”.
Xuân Thiều rất yêu thơ, nhưng sáng tác thơ của ông không nhiều: Cả một đời thơ ông chỉ tuyển chọn lại 48 bài. Nhưng điều đặc biệt là 48 bài thơ này, đúng như mong ước của ông, nó đã cùng những trang văn tạo nên một chân dung văn học rất đậm đà về ông và hơn thế nữa, nó đã đi vào đời sống nhân dân, khởi nguồn cho nhiều bài hát được đông đảo công chúng đón nhận và yêu thích:
Quê hương ơi sao vừa quen vừa lạ
Đò sông La chở cả trời đêm
20 năm rồi tôi trở lại
Chân vẫn còn săn dặm đường xa không mỏi…
Những vần thơ ấy của Xuân Thiều năm xưa được nhiều người lính - đặc biệt những chiến sĩ đồng đội Xuân Thiều ở hỏa tuyến yêu thích, và nó hằng thôi thúc tâm hồn người chiến sĩ ra trận. Vậy cho nên nó đã gặp một tâm hồn âm nhạc cộng hưởng là nhạc sĩ Văn Dung, để rồi người nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều bài hát nơi lửa đạn đã phổ thành bài hát Hành quân trong tình yêu quê hương đầy xúc cảm lòng người…
Huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) có Trường Tiểu học Nguyễn Xuân Thiều, ngôi trường nhà văn Nguyễn Xuân Thiều học tập từ những ngày thơ ấu.
Một bài thơ khác của Xuân Thiều rất nổi tiếng trong những năm chống Mỹ cứu nước là bài thơ Trận địa trên cao: Chiều chiều sau lúc lau xong pháo/Tiếng cười ran dậy dãy Trường Sơn/Giá mà kéo pháo lên cao nữa /Giáp mặt quân thù đánh tuyệt hơn. Cũng chính bài thơ này được một nhạc sĩ của Đài Phát thanh Giải phóng ngày ấy là nhạc sĩ Trần Hữu Bích đã phổ thành bài hát Trận địa trên cao chan chứa niềm lạc quan cách mạng của người chiến sĩ… (Cũng xin được nói thêm, phổ thơ Xuân Thiều, ngoài những đồng đội cùng ra trận với ông những năm tháng ấy như Huy Thục, Thúy Nga… thì Trần Hữu Bích có thể nói là nhạc sĩ tri kỷ và phổ nhiều thơ Xuân Thiều nhất).
Ta lại trở về con đường xưa
Nơi từng quen chân vượt đèo băng suối
Trường sơn đó che ta lúc mưa lùa nắng gội
Nhuộm biếc áo ta suốt những tháng năm dài…
Tiếng hát qua đèo nhớ lắm rừng ơi
Rừng hát tiếp nâng chân ta không mỏi
Dốc ngược thung sâu lèn cao vòi vọi
Lối cũ quân đi súng gạo nặng lưng
Tiếng gọi miền Nam như bão núi dông rừng…
Đấy là lời thơ, và cũng là lời trong bài hát Trở lại con đường xưa của nhà thơ Xuân Thiều được nhạc sĩ Huy Thục - tác giả của những bài hát: Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Ơi con suối La la, Tiếng đàn Ta lư… phổ thành bản hợp xướng với lời ghi đầy xúc động: “Mãi nhớ anh Xuân Thiều nhiều những ngày ở B để viết nên phẩm này…”.
Ngoài những bài thơ về người chiến sĩ trên đường hành quân, trước giờ ra trận, về những chiến dịch, những trận đánh… Xuân Thiều cũng có nhiều bài thơ tình rất hay (Trời xanh và nỗi nhớ, Khắc nghiệt, Tỉnh giấc, Cổ tích về chuyện tình)… nhưng riêng tôi, nói thật, tôi yêu nhiều hơn những bài thơ viết tặng con của ông viết nơi lửa đạn và gửi về từ mặt trận cho con thay lời hát ru:
Thơ gửi con gái:
Ba đi một chặng đường xa
Ví bằng con bước từ nhà ra sân
Ở đây bom đạn réo gầm
Chỉ lo con thột giữa chừng giấc mơ
Thèm nghe một tiếng ầu ơ
Rừng đêm cánh võng gió đưa xạc xào…
Với con trai:
Rồi con đi theo ba bước chân lũn tũn
Kìa con ơi tránh vũng nước lầy bùn
Con hãy đi trên con đường rộng lớn
Khi vào đời con thẳng bước đừng run…
Con hãy đi khắp mọi miền đất nước
Những dòng sông dài những đỉnh núi cao
Con sẽ hiểu tình yêu rộng lớn nhất
Là tình yêu Tổ quốc, đồng bào…
Thơ ca, nói cho cùng, đó bao giờ cũng là tiếng nói của tình đồng chí, tình bè bạn, tình yêu. Nhà thơ Xuân Thiều có khá nhiều bài thơ tình rất mạnh mẽ, hiện đại. Đã từng có những bản tình ca phổ theo thơ của ông qua giai điệu của các nhạc sĩ Trần Lê My, Trần Hữu Bích, Tôn Thất Thành, Nguyễn Thanh Bình, Thúy Nga…
Lối anh dẫn em đi
Chông gai gài mặt đất
Lối anh dẫn em về
Nghiêng một trời bão táp…
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là khắc nghiệt
Nếu dám đổi cuộc đời
Để yêu dù phải chết…
Nhưng ghi dấu ấn nhiều hơn cả về thơ ca của ông vẫn là thơ của một người thi sĩ - chiến sĩ giàu tình yêu Tổ quốc quê hương và luôn nêu cao trách nhiệm của mình với những sứ mệnh cao cả của người chiến sĩ. Chính những điều này đã làm những trang sách của ông, cả văn xuôi và thơ ca, sẽ sống mãi với thời gian:
Anh chiến sĩ nhặt mảnh tàu rách nát
Nâng niu đặt trước vọng gác tiền tiêu
Anh như nghe biển đang nói bao điều
Về một tấc núi sông cũng không thể để mất…
Sóng vẫn gọi ta, gió vẫn gọi ta
Dù cuối chân trời hay nơi đảo xa
Tổ quốc ơi ai cũng là chiến sĩ
Dáng kiên cường bất khuất giữa phong ba…
TRƯƠNG NGUYÊN VIỆT