- Điện sáng ở xã vùng cao
Xã Dền Thàng, huyện Bát Xát (Lào Cai) địa hình chia cắt, giao thông cực kỳ khó khăn. Trước kia, nhìn nơi khác có điện, người Dền Thàng chỉ biết tự an ủi là xã mình đến ô tô còn không bò vào được thì cũng chẳng dám mong cái điện nó về. Thôi thì chịu sống trong bóng tối, như ngàn đời tổ tiên vậy. Nhưng đến trước tết này, “cái điện” đã về trung tâm xã Dền Thàng.
Tết này đối với người Dền Thàng là cái tết vui nhất vì đã có điện. Ở trung tâm xã, nhiều gia đình đã được xem tivi, được xem những gì đối với họ vốn quá xa xôi.
Để điện về với Dền Thàng, trước đó công cuộc đưa điện tới các xã vùng cao được Lào Cai rất chú trọng. Điện sẽ làm thay đổi cuộc sống con người, để họ vươn lên thoát nghèo, tự tin bước vào cuộc sống rộng lớn không hề xa lạ. Năm 1995, cả tỉnh Lào Cai mới có 3 huyện thị có điện. Năm 2005, 10/10 huyện thị có điện, nhưng trong đó chỉ có 120/194 xã phường điện về tới trung tâm.
Đến tết này, 100% xã phường trong toàn tỉnh đã có điện. Núi rừng thật sự bừng sáng. 1.200km đường dây 35KV, 55 kim cáp ngầm 22KV, 620km đường dây 0,4KV… cùng 13 trạm biến áp trung gian, 909 trạm biến áp hạ thế - đó không chỉ là những con số khô khan mà còn là chiến công, là tình người đối với vùng đất khó khăn này.
- Mường Khương hôm nay
Là 1 trong 3 huyện trước đây luôn bị xếp hạng “đội sổ” của tỉnh Lào Cai về phát triển kinh tế, xuân này ai có dịp về Mường Khương sẽ thấy một hình ảnh hoàn toàn khác: màu xanh cây trái và những nụ cười trên gương mặt người. Từ Bản Lầu, theo đường 4D về trung tâm huyện, một màu xanh mơn mởn của những nương chè khiến sắc xuân thêm thắm đượm.
Trước, người Mường Khương chủ yếu trồng ngô, trồng lúa nương nên thu nhập thấp, nay nhờ thay đổi cơ cấu kinh tế, vật nuôi cây trồng cũng khác và đời sống người dân đã được nâng lên. Cây chè đang trở thành nguồn thu nhập quan trọng của người Mường Khương với diện tích trồng chè của toàn huyện hiện có 800ha.
Ông Bùi Đức Rạng, Giám đốc Nông trường chè Thanh Bình cho biết, diện tích chè của Mường Khương sẽ không dừng ở đó mà còn mở rộng tiếp. Đặc biệt, ra giêng sẽ đưa cây chè San - một loại chè giá trị thương phẩm lớn lên 4 xã cao nhất huyện, nơi thổ nhưỡng thích hợp với giống chè đặc biệt này. Ông Rạng cho biết thêm, chỉ riêng trong năm 2009, Mường Khương đã trồng mới được 100ha chè.
Mà cũng không chỉ có cây chè. Thế mạnh khác của Mường Khương là những vạt đồi chi chít dứa, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, giúp người dân Mường Khương đủ tiền ăn tết thật to. Đáng kể nhất, năm nay người Mường Khương ăn tết không chỉ bằng nếp nương mà nhà nào cũng có gạo Sén cù để ăn. Đây là loại gạo đặc sản nổi tiếng bậc nhất vùng Tây Bắc, nó vừa dẻo vừa thơm, không cần nhiều thức ăn thì lũ trẻ vẫn chén đến no căng cái bụng.
- Tết của người nghèo
Đền Thượng ở TP Lào Cai, gần ngay bờ sông Hồng nhìn sang bên kia là trấn Hà Khẩu của Trung Quốc.
Trước, người Lào Cai quen ăn tết ở nhà, ra đường chỉ có đi chơi. Nhưng tết này, nhiều người đã thay đổi thói quen. Hàng quán mở rất sớm, ngay từ ngày mùng 2 Tết nhiều hàng ăn đã đỏ lửa. Nơi nhiều người vào nhất là các cửa hàng bán thắng cố. Thắng cố từ bản về thành thị đã thay đổi mùi vị, cách chế biến, nhưng vẫn đủ làm người ta la đà bên những chén rượu nóng như lửa đốt của huyện Bắc Hà.
Đáng kể hơn cả với tết này là rất nhiều hộ nghèo ở Lào Cai có nhà mới. Đó là “những ngôi nhà 167” - tên người dân trong vùng gọi những căn nhà được Nhà nước hỗ trợ theo Quyết định 167 của Chính phủ cho người nghèo.
Ông Trần Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận (huyện Bảo Thắng) cho biết, trước ngày 30 Tết, 100% số hộ được hưởng chế độ 167 đã có nhà mới. 50 căn nhà mái tôn xi măng thay thế cho từng ấy ngôi nhà mái lá xiêu vẹo nghèo nàn. Vẫn biết tết là của mọi người, giàu cũng như nghèo, nhưng năm nay người nghèo ở đây mới thật sự có cái tết trọn vẹn. Bà É, một người dân của xã cho biết, bà sống với người con trai trong một ngôi nhà tường rách mái dột đã 30 năm. Bây giờ được đón tết trong ngôi nhà mới Chính phủ cho, thấy sao mà lạ quá!
PHAN HỒNG QUANG