Xuân về bên rừng lộc vừng cổ thụ

Hàng vạn cây lộc vừng cổ thụ 2 - 3 người ôm trù phú giữa làng Phò Trạch và Siêu Quần thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế là một cái lạ, lạ đến khó tin! Xuân về, lộc vừng già vỏ xù xì, cành chằng chịt, thế trực tự nhiên chồi non xanh mướt làm mê mẩn mắt người.

Hàng vạn cây lộc vừng cổ thụ 2 - 3 người ôm trù phú giữa làng Phò Trạch và Siêu Quần thuộc xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế là một cái lạ, lạ đến khó tin! Xuân về, lộc vừng già vỏ xù xì, cành chằng chịt, thế trực tự nhiên chồi non xanh mướt làm mê mẩn mắt người.

Chưa ai đoán định rừng lộc vừng bao nhiêu tuổi, chỉ một điều người làng hiểu rõ, những năm kháng Pháp, đánh Mỹ, rừng lộc vừng cổ thụ này là nơi ẩn náu của du kích đánh giặc. Mùa hè, nhiều ngôi làng xung quanh nước nôi khô kiệt nhưng nước ở rừng lộc vừng vẫn chắt lọc vô biên vào từng ngôi nhà nhỏ qua cái giếng khơi từ ụ cát và họ trở thành người hào hiệp tặng nguồn nước mát lành ấy cho bạn bè quanh vùng. Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình Nguyễn Ngọc Khánh không ngớt lời ca ngợi.

“Làng Siêu Quần và Phò Trạch ni không có con đê lộc vừng thì chắc không thể chịu nổi với gió bão, nhà cửa e không đứng vững mô… Cơn bão Cecil năm 1985 đổ bộ vào Thừa Thiên – Huế rất mạnh. Nhiều ngôi làng xung quanh bị bão tàn phá tan hoang nhưng làng Siêu Quần và Phò Trạch được rừng lộc vừng ôm ấp, chở che nên không hề hấn gì. Trận đại hồng thủy năm 1999, lũ sông Ô Lâu dâng cao nhấn chìm nóc nhà, nhiều căn nhà bị sập khi nước chưa rút. Trong nguy nan, rừng lộc vừng trở thành chỗ trú ngụ cho người dân để chờ lực lượng cứu hộ tới ứng cứu. Cũng ở cơn lũ năm đó rất nhiều người dân ở một số thôn bên cạnh bị nước cuốn trôi nhưng may mắn dạt vào những rừng cây lộc vừng nên được người làng Siêu Quần cứu sống”, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Khánh kể.

Thân cây dẻo có thể chống chọi lại gió bão và sống được trong môi trường bị ngập nước... phù hợp với điều kiện tự nhiên của làng. Cha ông đã tính toán kỹ lưỡng khi chọn loài cây này làm lá chắn giữ đất, giữ làng.

Hàng vạn cây lộc vừng cổ thụ dệt thành một triền đê trải dài hàng chục cây số hay công trình “Áo Quan cho” theo cách gọi người dân địa phương. Theo giai thoại, “Áo Quan cho” có từ thời vua Tự Đức (1829-1883). Thời đó, làng Phò Trạch có người con gái xinh đẹp, nết na hiền dịu được vào kinh thành Huế làm vợ một vị quan trong triều đình. Một lần, vị quan ấy về làng.

Dạo quanh làng một vòng, vị quan nói như thúc giục: “Dân làng cùng nhau đoàn kết, đào đất đắp đường đê bao quanh làng rồi trồng cây lộc vừng lên đó. Làm xong, quan thưởng cho cơm gạo để ăn và cho áo để mặc”. Khi cây cối mọc xanh tốt trên đoạn đường mà dân làng khổ công đào đắp thì mọi người mới nhận thấy, cây cối phát triển che chắn gió lớn từ biển thổi vào khiến mùa đông không còn lạnh như trước nữa. Trâu, bò và kể cả người dân không còn bị chết vì rét. Người làng lúc này mới sực phát hiện ra “cái áo” mà vị quan kia hứa cho chính là rặng cây trồng trên một con đê bao bọc quanh làng, giúp người dân tránh khỏi sự tàn phá mỗi khi thiên nhiên nổi trận lôi đình. Nhớ ơn vị quan kia đã có cái “nhìn xa trông rộng” nhưng không biết tên để cảm tạ, dân làng đã đặt tên công trình này là “Áo Quan cho” để ghi nhớ công ơn.

“Áo Quan cho” đến nay phát triển rộng hơn 20ha, trải dài 3 lớp qua 2 làng Siêu Quần và Phò Trạch. Để “Áo Quan cho” mãi xanh tươi từ đời này qua đời khác, hương ước của 2 làng quy định không ai được chặt cây, bẻ cành.

Thời buổi kinh tế thị trường, lộc vừng được giới cây cảnh xem là cây phát tài phát lộc nên giá trị rất cao. “Nhiều thương lái trong Nam ngoài Bắc đến đây đặt vấn đề mua cây lộc vừng cổ thụ nhưng dân làng tuyệt nhiên không bán dù được trả giá hàng trăm triệu đồng mỗi cây”, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình Nguyễn Ngọc Khánh quả quyết.

Để đối phó với kẻ gian thừa lúc ban đêm, mưa to gió lớn, cho thuyền ra giữa hói nước, đào trộm những cây lộc vừng mọc lẻ loi, dân làng Siêu Quần và Phò Trạch đã thành lập đội bảo vệ rừng cây lộc vừng, gồm toàn thanh niên trai tráng trong làng. Chủ tịch UBND xã Phong Bình Nguyễn Viết Âu khẳng định: “Rừng lộc vừng hàng trăm năm tuổi đã trở thành máu thịt, linh hồn của làng. Những năm qua, chính quyền xã kiên quyết nghiêm cấm việc mua bán, vận chuyển cây lộc vừng, đồng thời vận động người dân thực hiện theo hương ước của làng nhằm bảo vệ rừng cây trước nạn “săn” cây cảnh”. 

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục