Cơn lũ lịch sử cuối năm vừa qua đã nhấn chìm huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) trong biển nước. Nhiều gia đình sau những ngày tránh lũ trở về chỉ còn trơ lại cái nền nhà. Sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, sự chỉ đạo rốt ráo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự sẻ chia của đồng bào cả nước đã giúp Ia Pa qua cơn khốn khó. Không chỉ đủ ăn, đủ mặc, người dân ở đây đã dựng lại nhà ở, ruộng đồng trở lại xanh tươi và đang sẵn sàng đón mùa xuân mới.
Những ngày cuối năm Kỷ Sửu, chúng tôi trở về vùng bị lũ tàn phá Ia Pa, tỉnh Gia Lai.
Bên kia cầu Bến Mộng là xã Ia Broái, nơi cách đây 4 tháng, cả vùng này đã từng bị chìm trong nước lũ, dòng nước nghiệt ngã cuốn trôi người và của khiến tan hoang, nhưng nay đã ngút ngàn màu xanh của lúa, ngô, dưa hấu và cây thuốc lá.
Anh Ksor Phí (dân tộc Jarai) đang cùng bà con khẩn trương bơm nước tưới đợt cuối cùng trước khi nghỉ tết. Anh nói: “Gia đình tôi bị lũ cuốn trôi toàn bộ trâu bò và lợn nái, nhưng được Chính phủ hỗ trợ tiền và gạo nên đã ổn định cuộc sống. Bây giờ gia đình tôi phải cố gắng sản xuất để bù đắp lại. Hiện chúng tôi đã gieo trồng được 3 sào lúa, 4 sào ngô, toàn bộ giống cây trồng thì do Nhà nước cấp, nhờ phù sa bồi đắp nên lúa và ngô rất tốt”.
Đường vào làng Ia K’Nui còn thơm mùi đất mới, lượn quanh co lúc trên đồng lúa, lúc nương ngô phấp phới màu xanh. Nhiều ngôi nhà sàn truyền thống của người Jarai vừa được dựng lại sau lũ. Gia đình chị Kpă H’Noen bị lũ cuốn trôi toàn bộ nhà cửa và tài sản đã được Nhà nước hỗ trợ 2,5 triệu đồng, thanh niên trong làng giúp công dựng lại nhà trước tết. Chị Kpă H’Noen tâm sự: “Cơn lũ đi qua, Nhà nước đã hỗ trợ cho gia đình tôi 2,5 triệu đồng. Tôi đã mua sắm được đồ dùng sinh hoạt. Để đón tết vui vẻ, vợ chồng tôi cố gắng đi làm, kiếm tiền mua bánh kẹo, gói bánh chưng, sắm quần áo mới, giày dép cho con cái”.
Đến nay, huyện Ia Pa đã khắc phục 13 trạm bơm bên sông Ayun, hỗ trợ hơn 100 tấn lúa giống, 3 tấn giống ngô và hơn 1,5 tấn giống rau các loại, giúp bà con gieo trồng được hơn 2.000 ha lúa. Các doanh nghiệp đã hỗ trợ nông dân trồng được khoảng 700ha cây thuốc lá. Vài tháng trước Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm thu hoạch mía, sắn và trồng cây thuốc lá, nên bà con tranh thủ đi làm công cho các doanh nghiệp để tăng thêm thu nhập. Những gia đình có đất cho thuê trồng thuốc lá, có thu nhập rất cao, mỗi sào hơn 1 triệu đồng.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp cùng ngành chức năng ở Ia Pa đã khẩn trương rà soát lại tình hình đời sống của bà con vùng lũ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Cùng với việc hỗ trợ tiền ăn tết cho người nghèo, cấp cho mỗi làng 1 triệu đồng để tổ chức tết cộng đồng, dịp này huyện mua thêm 100 con bò để cấp cho các hộ bị mất gia súc trong đợt lũ.
Ông Trương Nguyên Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Broái, cho biết đến nay xã đã cấp phát cho nhân dân hơn 150 tấn gạo, hỗ trợ 30 tấn giống lúa, 30 tấn giống ngô và 200kg giống rau các loại, giúp bà con gieo trồng vụ đông-xuân trước Tết Nguyên đán. Đồng ruộng sau lũ được phù sa bồi đắp và đủ nước tưới, nên hiện nay lúa và hoa màu rất tốt, hy vọng sẽ có vụ mùa bội thu.
Cùng với việc cứu trợ hơn 3 tỷ đồng, giúp dân dựng lại nhà cửa, cấp gần 550 tấn gạo cho hơn 3.000 hộ thiếu đói, huyện Ia Pa đang chăm lo tết cho đồng bào địa phương.
Ông Hồ Thanh Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, khẳng định: “Quyết tâm của địa phương là không để cho một hộ dân nào bị đói, bị thiếu thốn trong dịp tết cổ truyền. Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng trích ngân sách để hỗ trợ cho các làng dân tộc thiểu số ăn tết tập trung theo phong tục; tổ chức các đêm biểu diễn văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Ngoài ra, huyện cũng tổ chức các đoàn công tác xuống các làng, các xã để thăm hỏi động viên các gia đình”.
Lũ lụt đã gây tổn thất nặng nề cho vùng đất Ia Pa, nhưng được sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, nên bà con nơi đây đã từng bước vượt qua cơn khốn khó. Sức sống mới đang hiện hữu trên những cánh đồng tươi tốt. Trong mỗi nếp nhà sàn truyền thống của người Jarai ở Ia Pa, Gia Lai đã bừng lên bếp lửa đón Tết Canh Dần.
QUỐC HỌC