Ngày 4-5, thông tin riêng của Báo SGGP liên quan đến vụ sưa cổ thụ bị đốn hạ tại rừng cấm Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho thấy xuất hiện ít nhất hai băng nhóm từ Nghệ An và Hải Phòng vào trấn cướp gỗ sưa từ người đi gùi thuê.
Những băng nhóm trấn cướp
Thông tin cám dỗ từ lợi nhuận vụ chặt phá 3 cây gỗ sưa cổ thụ ở Hung Trí trong rừng Kẻ Bàng lan nhanh khiến giới hám lợi từ Nghệ An và Hải Phòng đã vào Phúc Trạch ém quân trấn cướp. Chính quyền xã Phúc Trạch, Sơn Trạch, Xuân Trạch đã biết sự có mặt của các nhóm đối tượng này. Bao gồm 32 người từ Nghệ An, 16 người từ Hải Phòng.
Một thông tin từ người dân địa phương cho biết, tên cầm đầu 11 lâm tặc chặt phá gỗ sưa là Hạnh đã bị trấn cướp 5 gùi gỗ sưa trị giá gần 10 tỷ đồng. Những người đi gùi thuê trở về kể, có nhiều người lạ mặt không phải dân địa phương đã trấn cướp ở bìa rừng bằng dao, mã tấu, súng, mìn tự chế một cách ngang nhiên. Người dân Phúc Trạch cho biết, ban đêm không dám ra khỏi nhà vì sợ các nhóm giang hồ từ Nghệ An, Hải Phòng khống chế bắt dẫn đi tìm manh mối ai có gỗ sưa để tìm cách trấn cướp.
Trong khi đó, tiếp cận với một số người được cho là có máu mặt về gỗ sưa, vì mối lợi, họ đã vay mượn lãi suất cao, huy động người nhà với số lượng vài trăm triệu đến vài tỷ đồng mua sưa nhằm kiếm lời. Cách giao dịch của nhóm lâm tặc không còn bằng cách cân tiền như Báo SGGP ngày 3-5 đưa tin mà chuyển sang cách giao dịch khác. Ở địa phương, khi người nhà nhận điện thoại của nhóm, trả lời đã nhận được bao nhiêu tiền, chúng sẽ chuyển tương ứng lượng gỗ đã định để tránh bị cướp tiền trong rừng. Những lúc như thế, nhóm 11 lâm tặc do Hạnh cầm đầu thường cử một người rời Hung Trí, ra gần bìa rừng, nơi có sóng điện thoại để gọi về nhà. Khi biết tin đã nhận tiền, sẽ tiến hành giao gỗ, sau đó đối tượng mua có bị cướp hay không, nhóm của Hạnh không đảm bảo.
Khẩn cấp khởi tố vụ án
Chiều 4-5, trước sự phức tạp từ vụ chặt phá 3 cây gỗ sưa, ông Nguyễn Xuân Quang đã chủ trì cuộc họp khẩn với BQL Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, công an tỉnh, sở NN-PTNT tỉnh, chi cục kiểm lâm, biên phòng tỉnh, lãnh đạo các huyện Bố Trạch, Minh Hóa và 3 xã Xuân Trạch, Phúc Trạch, Bố Trạch để giải quyết vấn đề người dân tràn vào rừng di sản tìm kiếm gỗ sưa.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Quang đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình khẩn cấp khởi tố vụ án phá hoại rừng di sản, điều tra làm rõ kẻ chủ mưu, 7 ngày sau khi khởi tố vụ án chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, triệu tập các đối tượng liên quan, xử lý nghiêm đúng người, đúng tội, truy tố trước pháp luật về hành động phá hoại tài sản quốc gia là 3 cây gỗ sưa quý hiếm. Cùng đó, thành lập tổ liên ngành gồm quân đội, bộ đội biên phòng, công an, kiểm lâm, địa phương các xã vào Hung Trí vận động người dân trở về, đẩy đuổi lâm tặc và các đối tượng trấn cướp ra khỏi rừng di sản.
Cùng ngày, khi chúng tôi trở lại các điểm nóng Trộ Mợng, Vực Trô, Hung Nha phát hiện nhiều nhóm người gùi hàng rời rừng trở về. Tại Trộ Mợng, có hơn 10 người với nồi niêu đầy gùi nói đi rừng cả tháng và vào rừng gùi sưa thuê. Phát hiện Nguyễn Văn Binh (33 tuổi, Thanh Trạch, Bố Trạch), Nguyễn Văn Bình (30 tuổi, Sơn Trạch) gùi theo hai thanh gỗ mun quý hiếm, loại gỗ này giá thấp hơn gỗ sưa nhưng cũng buôn bán bằng cân. Nhóm đối tượng trên đã bị kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng lập biên bản, tịch thu số gỗ mun quý hiếm, xử phạt hành chính.
Trước đó, đêm 3-4, tại sân bay Khe Gát, một nhóm lâm tặc vượt núi đá vôi, đem về một gùi lớn gỗ sưa nguyên khối, ông Nguyễn Văn Huyên, Phó Giám đốc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, cùng Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phong Nha Phạm Hồng Thái đã lập biên bản thu giữ số gỗ tang vật của đối tượng tên Quý trú thôn Bầu Sen xã Phúc Trạch. Sau khi bắt giữ, nhóm lâm tặc bỏ về và huy động 80 người trong vùng lên cướp lại gỗ sưa bằng dao mác, rựa làm náo động một vùng rừng trong suốt hai giờ nhưng bất thành. Một nguồn tin từ Hung Trí báo ra cho biết, hiện các nơi giấu gỗ còn 120 phách sưa loại lớn rất đẹp, đang chờ thời cơ tốt để đưa ra. Những ngày qua, các nhóm gùi thuê mới chỉ gùi số lượng nhỏ để thăm dò đường đi và thái độ các cơ quan chức năng.
Hiện các lực lượng biên phòng và kiểm lâm được báo động đỏ dọc tuyến biên giới và các chốt rừng để bắt giữ gỗ nếu bị thẩm lậu ra khỏi rừng.
NGUYÊN LONG
| |
- Thông tin liên quan:
>> Vụ đốn sưa cổ thụ trong rừng cấm ở Quảng Bình - Lâm tặc “mua đường” vận chuyển của ai?
>> Vụ triệt phá 3 cây gỗ sưa tại Phong Nha - Kẻ Bàng: Xem xét khởi tố vụ án
>> Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: 3 cây gỗ sưa bị triệt hạ