(SGGPO).- Ngày 20-4, tại hội nghị với các doanh nghiệp thủy sản ở ĐBSCL về tình hình nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau thời gian dài gặp khó khăn thì trong 3 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cá tra đạt 358 triệu USD, tăng 4,2% so cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 10%, Trung Quốc tăng 39%, Brazil tăng gấp 8 lần so với năm ngoái… Qua theo dõi thì thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cá tra của Việt Nam khá lớn; đối với thị trường Brazil bị đình trệ từ quý 4-2014 do Chính phủ nước này tạm ngưng cấp phép, đến giữa năm 2015 tình hình trở lại bình thường và từ đầu năm 2016 đến nay nhu cầu nhập khẩu cá tra tăng rất mạnh.
Cá tra nguyên liệu thiếu hụt nhưng người nuôi không dám nuôi do thiếu vốn
Kim ngạch xuất khẩu đang tăng nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP lo ngại: Bất lợi lớn nhất hiện nay là Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra phán quyết cuối cùng mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR 11) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn 1-8-2013 đến 31-7-2014. Theo đó, mức thuế dao động từ 0,41 đến 0,97 USD/kg, mức thuế bình quân là 0,69 USD/kg; đây là mức thuế rất khó để doanh nghiệp Việt Nam xuất cá tra vào thị trường Mỹ trong thời gian tới.
Hiện tại, có khoảng 27 doanh nghiệp cá tra của Việt Nam đang theo đuổi và tham gia xem xét hành chính lần thứ 12 (POR 12), dự kiến vào tháng 9-2016 sẽ có kết quả sơ bộ. Song song đó, cá tra của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các loài cá thịt trắng ở EU, Mỹ, Nga… Vì vậy, ngành chức năng và doanh nghiệp cần chủ động ứng phó, đẩy mạnh quảng bá, tìm thị trường… Thêm cái khó là sản lượng cá tra nguyên liệu thiếu hụt, trong khi giá cá đang tăng nhưng người dân không dám nuôi mới bởi hết vốn và ngân hàng “ngại” cho vay.
Trước tình hình trên, dự báo xuất khẩu cá tra năm 2016 đạt khoảng 1,5 tỷ USD, giảm 5% so năm trước.
NGUYỄN THANH