Xuất khẩu da giày - Cơ hội tương phùng

Hàng loạt Hiệp định thương mại (HĐTM) quốc tế như TPP, FTA Việt Nam-EU, Liên minh Hải quan với 3 nước Nga, Belarus, Kazakhstan có khả năng sẽ được ký kết vào cuối năm nay hoặc trong năm 2015; các HĐTM đã có hiệu lực trong vùng với các nước ASEAN, Trung Quốc… tất cả đều mở ra những cơ hội chưa từng có với kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ngành da giày, túi xách xuất khẩu (XK).
Xuất khẩu da giày - Cơ hội tương phùng

Hàng loạt Hiệp định thương mại (HĐTM) quốc tế như TPP, FTA Việt Nam-EU, Liên minh Hải quan với 3 nước Nga, Belarus, Kazakhstan có khả năng sẽ được ký kết vào cuối năm nay hoặc trong năm 2015; các HĐTM đã có hiệu lực trong vùng với các nước ASEAN, Trung Quốc… tất cả đều mở ra những cơ hội chưa từng có với kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ngành da giày, túi xách xuất khẩu (XK).

Sản xuất giày da nữ xuất khẩu tại Công ty Giày Liên Phát.

Sản xuất giày da nữ xuất khẩu tại Công ty Giày Liên Phát.

Thời cơ không lặp lại

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), đánh giá, với việc hàng loạt HĐTM quan trọng đã, đang đến cùng lúc với Việt Nam, chúng ta có thể xem đây là một cơ hội lớn, chưa từng có trong lịch sử thương mại giữa Việt Nam với thế giới. Nó trở thành một bước ngoặt lịch sử cho XK Việt Nam vì trong tương lai cũng sẽ rất khó lặp lại cơ hội đến cùng lúc như hiện nay.

Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát (Bình Dương), cho biết, kết quả mang lại cho XK da giày Việt Nam trước cơ hội của các HĐTM quan trọng đã thực sự thấy rõ. Hiện nay, đơn hàng sản xuất của DN tăng 20% - 30% so với cùng thời điểm của năm 2013. Lịch tiếp các nhà nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ đến tìm hiểu, đặt hàng của DN đã nhiều hơn. Hiện nay, đơn hàng từ châu Âu rất nhiều, DN không dám nhận nhiều vì sợ không có đủ lao động để làm.

Năm 2013, dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng ngành da giày, túi xách Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. XK toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng trưởng 21% so với năm 2012, trong đó da giày đạt 8,5 tỷ USD, tăng trưởng 18%, túi xách đạt 1,9 tỷ USD, tăng trưởng 44%. Thặng dư thương mại của ngành trong năm 2013 đạt 6,2 tỷ USD tương đương 60% tổng kim ngạch XK của ngành.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, da giày XK vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao 17,8%, ba lô túi xách tăng trưởng 41% so với cùng kỳ năm 2013. Theo Lefaso, trong 10,4 tỷ USD XK năm 2013, ngành chỉ nhập khẩu khoảng 4,2 tỷ USD. Trong khi mức thặng dư của da giày khoảng 60% thì mức này đối với dệt may là 40%.

Động lực đầu tư cho chuỗi cung

So với ngành dệt may thì mức độ phụ thuộc nguyên liệu của ngành da giày, túi xách vào thị trường Trung Quốc ít hơn. Đây có thể được xem là chìa khóa mang lại lợi thế thành công hơn cho da giày. Cơ hội đã rõ, DN trong nước cũng đã đưa ra bài toán chủ động tìm nguồn nguyên liệu ổn định hơn.

Theo Lefaso, mức độ phụ thuộc nguyên liệu từ Trung Quốc không quá lớn. Hiện nay, trong 3 nhóm nguyên liệu chính của da giày, túi xách thì da thuộc nhập khẩu 1,5 - 1,8 tỷ USD trong năm qua chủ yếu là nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan, Italia, Thái Lan; nhập từ Trung Quốc khoảng 6% - 7%, chủ yếu sản phẩm da cấp trung, thấp. Xét ở toàn ngành, cho thấy, sản phẩm da thuộc không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, xét ở từng nhóm DN thì nhóm DN vừa và nhỏ, chủ yếu sản xuất sản phẩm cấp trung, thấp sẽ phải có bài toán khác nếu như nguồn NPL nhập khẩu từ Trung Quốc không ổn định. Các sản phẩm da tổng hợp PU, PVC, Việt Nam chỉ mới chủ động được 40%. Trong đó, sản phẩm da PU cũng chủ yếu nhập từ các nước nêu trên. Các loại phụ liệu trang trí, trong nước chủ động được khoảng 45%.

Các HĐTM quan trọng đang dần thực hiện, cơ hội đến cùng lúc này sẽ khó lặp lại cho XK da giày. Do vậy, ngành da giày phải tận dụng tốt thời cơ này. Việt Nam đang thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ.

Theo Lefaso, các bộ, ngành đang kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh các chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành 2 KCN thuộc da ở 2 đầu đất nước để chủ động nguồn da thuộc và giúp nâng cấp chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hình thành các cụm công nghiệp nhỏ tại các khu vực trọng điểm cho những vật tư chiến lược khác là da tổng hợp, đế giày và phụ liệu trang trí. Mục tiêu sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa của các vật tư chiến lược như da thuộc, da tổng hợp, đế giày vượt tỷ lệ 50% vào năm 2020 và 70% từ 2025. Ngoài ra, ngành cũng tăng cường năng lực cạnh tranh nội tại của DN và năng lực cạnh tranh quốc gia…

Theo Bộ Công thương, hiện toàn ngành da giày, túi xách có khoảng 812 DN, với trên 624.000 lao động. Trong chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2025, da giày được xác định là ngành công nghiệp XK mũi nhọn của nền kinh tế. Nếu tận dụng tốt cơ hội đến cùng lúc này thì chắc chắn, thị phần XK da giày, túi xách của Việt Nam ra thế giới sẽ mở rộng hơn và kim ngạch XK cũng sẽ vượt xa mục tiêu “khiêm tốn” 15 tỷ USD vào năm 2020 đặt ra hiện nay.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục