Xuất khẩu dệt may đột ngột giảm đơn hàng

Trước cơ hội của các hiệp định thương mại (HĐTM) quan trọng sắp được ký kết, các nhà nhập khẩu đã dịch chuyển đơn hàng và sản xuất vào Việt Nam, nhờ vậy, tăng trưởng xuất khẩu (XK) dệt may Việt Nam luôn đạt mức cao, khoảng 15%-20% trong 3 quý đầu năm 2014. Tuy nhiên, bước vào những tháng cuối năm, đơn hàng XK dệt may tại nhiều doanh nghiệp (DN) đột ngột giảm.
Xuất khẩu dệt may đột ngột giảm đơn hàng

Trước cơ hội của các hiệp định thương mại (HĐTM) quan trọng sắp được ký kết, các nhà nhập khẩu đã dịch chuyển đơn hàng và sản xuất vào Việt Nam, nhờ vậy, tăng trưởng xuất khẩu (XK) dệt may Việt Nam luôn đạt mức cao, khoảng 15%-20% trong 3 quý đầu năm 2014. Tuy nhiên, bước vào những tháng cuối năm, đơn hàng XK dệt may tại nhiều doanh nghiệp (DN) đột ngột giảm.

Sản xuất hàng dệt may XK tại Công ty CP May Sài Gòn 3.

Đơn hàng ít nhưng vẫn tăng ca

Số liệu XK dệt may Việt Nam trong 9 tháng năm 2014 cho thấy  dấu hiệu tích cực, tăng trưởng XK dệt may của Việt Nam vào 4 thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đạt ở mức cao hơn cả tăng trưởng nhập khẩu dệt may của những thị trường này.

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), kim ngạch XK dệt may trong 9 tháng qua đạt 17,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2013. Theo đó, XK dệt may Việt Nam vào Mỹ tăng khoảng 15%, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ trong 9 tháng qua chỉ tăng khoảng 4%. Đối với thị trường EU, tăng trưởng nhập khẩu dệt may của thị trường chỉ khoảng 10% nhưng XK của Việt Nam vào thị trường này tăng đến 19%; nhập khẩu hàng dệt may vào Nhật Bản chỉ tăng nhẹ 0,3% nhưng hàng dệt may của Việt Nam lại tăng 14% vào đây. Điều này chứng tỏ được sức hấp dẫn của ưu đãi thuế quan khi Việt Nam chính thức ký kết các HĐTM với EU, TPP và Liên minh thuế quan 3 nước vào thời gian sắp tới. Với đà tăng trưởng này, cộng với dấu hiệu XK tích cực từ các DN dệt may khối FDI, ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng sẽ về đích vượt chỉ tiêu ít nhất khoảng 1 tỷ USD so với kế hoạch đề ra, kim ngạch XK dự kiến của cả 2 lĩnh vực hàng may mặc và dệt sợi, đạt khoảng 24,5-25 tỷ USD.

Tuy nhiên, mùa sản xuất cuối năm lại đang có dấu hiệu xấu đi khi đơn hàng XK giảm cả số lượng và đơn hàng. Giám đốc DN dệt may có khoảng 1.000 lao động ở đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM), cho biết, trong khoảng 2 tháng nay, DN phải sản xuất cầm chừng do thiếu hàng. Nghịch cảnh ở đây là dù không có hàng làm nhưng DN phải tăng ca sản xuất. Vì nhà nhập khẩu đòi đơn hàng gấp, thay vì DN có thời gian khoảng 1 tháng để sản xuất, giao hàng như trước đây, thì bây giờ DN phải hoàn thành đơn hàng trong 2 tuần. Việc này đẩy DN vào thế đã khó càng khó hơn vì phải trả đủ lương và các chính sách tăng ca cho người lao động. Trong khi đó, hoạt động sản xuất chỉ cầm chừng. Trong hoàn cảnh này, DN không dám nghĩ đến lợi nhuận mà chỉ xoay xở để có việc cho công nhân làm, không để công nhân nghỉ việc.

Theo Hội Dệt may-Thêu đan TPHCM, nhiều DN dệt may tại TPHCM cũng đang rơi vào tình cảnh thiếu đơn hàng, nhất là đối với các đơn hàng XK vào EU, Mỹ. Theo đánh giá của nhiều DN, nguyên nhân giảm đơn hàng sản xuất là do tác động tiêu cực từ tình hình kinh tế, chính trị của thế giới. Việc cấm vận qua lại, trừng phạt kinh tế lẫn nhau giữa EU, Mỹ với Nga trong vấn đề xung đột của Ukraine đã làm giảm XK của các nhà thương mại EU vào Nga. Và những bất ổn của thị trường Mỹ trong thời gian gần đây cũng có tác động đến việc giảm đơn hàng so với cùng kỳ năm 2013 và so với sự sôi động của thị trường trong những tháng đầu năm 2014.

Nhà nhập khẩu sợ tồn kho

Theo đánh giá của các chuyên gia dệt may và các DN, việc giảm đơn hàng XK trong thời điểm hiện nay không đáng lo ngại. So với các thị trường XK dệt may khác thì tăng trưởng XK của Việt Nam vẫn đạt ở mức cao và càng có tiềm năng mở rộng sản lượng và thị phần nhiều hơn, khi thời điểm thực hiện các HĐTM mà các nhà nhập khẩu đang chờ đợi đã cận kề.

Việc sụt giảm này có thể chỉ là bước đi thận trọng của các nhà nhập khẩu trước dự báo nguy cơ của thị trường. Bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra năm 2009, khó khăn vẫn còn kéo dài đến tận hôm nay vẫn mãi là bài học lớn đối với các nhà thương mại, nhập khẩu hàng dệt may. Nỗi lo “tồn kho” không thể lặp lại.

Các DN dệt may cho biết, không chỉ các nhà thương mại mà ngay cả các nhãn hiệu thời trang lớn của Mỹ, trực tiếp đặt hàng DN Việt Nam sản xuất cũng quyết định giảm bớt số lượng hàng trong một mã hàng. Chính vì vậy, thời gian sản xuất đơn hàng ngày càng có xu hướng rút ngắn. Nhà nhập khẩu đặt hàng số lượng ít, khi mã hàng này có dấu hiệu bán tốt thì ngay lập tức đặt hàng làm tiếp. Việc sản xuất đơn hàng số lượng nhỏ, trong thời gian nhanh nhất sẽ làm DN sản xuất phát sinh nhiều chi phí, không có nhiều lợi nhuận. DN dệt may đang lo lắng, tình hình thị trường hiện nay sẽ có tác động kéo dài sang những tháng đầu năm 2015. Và việc giảm sút đơn hàng này cũng sẽ có tác động đến hoạt động kinh doanh những tháng cuối năm, nhất là việc chăm lo lương, thưởng tết cho người lao động.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục