Rộng cửa thị trường xuất khẩu
Phân tích về những lợi thế thị trường dành cho ngành dệt may trong năm 2019, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các thị trường truyền thống như châu Âu (EU), ASEAN, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính. Tính chung từ năm 2015 đến nay, 5 thị trường trên hiện chiếm đến 3/4 giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, Hoa Kỳ và EU là những thị trường mà Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất, khoảng 20%/năm. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ hiện đang đứng đầu các nước ASEAN.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TPHCM, cho rằng nhờ vào lợi thế các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, các cam kết cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan đã được thực thi. Theo đó, hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam khi tiếp cận thị trường các đối tác FTA có điều kiện thuận lợi, ổn định và minh bạch hơn. FTA với EU đang kỳ vọng thông qua trong năm nay và nếu hiệp định được thông qua, 90% hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU sẽ được hưởng mức thuế suất 0%. Các sản phẩm xuất khẩu có thể được lợi nhiều nhất của Việt Nam là dệt may, giày dép, thực phẩm đã qua chế biến. Tương tự, với FTA Việt Nam - Nhật Bản, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã giúp thị trường các nước, trong đó có Việt Nam, mở cửa ở mức độ rất cao. Rào cản thuế quan và phi thuế quan từng bước được xóa bỏ. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế tại các thị trường này cả về giá cả và chất lượng.
Riêng với thị trường Hoa Kỳ, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các nhà kinh tế thế giới đều đưa ra những dự báo khả quan cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Nền kinh tế này được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 2,5% - 3% trong năm 2019. Theo đó, nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng sẽ mạnh lên. Hàng dệt may, giày dép các loại vẫn được xem là mặt hàng dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này. Kế đến là gỗ và sản phẩm từ gỗ, hàng thủy sản, túi xách, ví, vali, nón, ô dù, hạt điều, cà phê…
Còn với thị trường Trung Quốc, xu hướng dịch chuyển của GDP theo hướng tăng tiêu dùng hộ gia đình sẽ có ảnh hưởng mạnh tới các nhà xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là đối với nguyên liệu thô. Điều này có lợi cho các doanh nghiệp may trong nước đang xuất khẩu vào thị trường này.
Ngoài ra, còn một số thị trường khác cũng được đánh giá sẽ tạo những bước đột phá cho kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may là Liên minh Kinh tế Á - Âu, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi các nước này đều có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với các mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam như dệt may, giày dép, hàng nông sản. Tuy nhiên, riêng với thị trường Nga, phương thức thanh toán, lộ trình vận chuyển và những vấn đề rủi ro về tỷ giá do các điều kiện bất ổn của nền kinh tế Nga đang khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn dè dặt, chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu. Việc tháo gỡ những rào cản này sẽ giúp tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may vì đây là thị trường rất lớn, tiềm năng với 140 triệu dân. Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm dày dạn trong việc nắm bắt thị hiếu tiêu dùng cũng như chiếm lĩnh ưu thế xuất khẩu vào thị trường này.
Phép thử mới
Cùng với những thuận lợi về thị trường, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang gấp rút chuyển đổi công nghệ sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu cạnh tranh mới. Sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao và dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may do dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang tăng lên. Tính đến hết năm 2018, giá trị thặng dư ngành dệt may năm 2018 ước đạt 17,86 tỷ USD, tăng 14,39% so với năm trước. Và với những tín hiệu khả quan về đơn hàng trong năm 2019, ngành dệt may kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD và thặng dư 20 tỷ USD.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho rằng hiện đã có nhiều doanh nghiệp thành viên, nhất là doanh nghiệp dệt may chuyên xuất khẩu đã lấp đầy đơn hàng cho 6 tháng đầu năm, thậm chí là đủ đơn hàng cho cả năm 2019. Nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp sản xuất xơ sợi, vải trong nước để chủ động nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu và tận dụng tối đa lợi thế thuế xuất khẩu từ các FTA.
Về phía Bộ Công thương cho biết bộ này đang gấp rút hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may hoàn thiện khả năng tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường EU. Bởi đến đầu tháng 7-2019 tới đây sẽ là điều kiện bắt buộc để hàng dệt may Việt Nam được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) C/O form A khi xuất khẩu vào thị trường này. Theo đó, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ buộc doanh nghiệp (hoặc nhà nhập khẩu) phải tự thực hiện các thủ tục, đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ tự phát hành bằng chứng về xuất xứ mà không có sự tham gia của các cơ quan quản lý trong quá trình phát hành.
Trên thực tế, giải pháp này đã được áp dụng khá phổ biến trên thế giới, giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục, cắt giảm thời gian và chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Về phía các cơ quan chức năng cũng giảm gánh nặng hành chính. Tuy nhiên, tại Việt Nam còn khá mới mẻ nên nhiều doanh nghiệp chưa tự thực hiện được. Mặt khác, không ngoại trừ có doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp lý tự ý kê khai gian dối, dẫn đến những thiệt hại khôn lường cho toàn ngành khi thị trường châu Âu phát hiện vi phạm và áp dụng lệnh cấm nhập khẩu lên toàn bộ hàng hóa của ngành dệt may Việt Nam.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hồng, việc tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa dệt may xuất khẩu của Việt Nam sẽ là phép thử mới. Phép thử này tạo cơ hội để đẩy mạnh phát triển ngành cũng như tạo tiền đề để đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều nước khác trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây cũng là “con dao hai lưỡi” đối với ngành dệt may nếu như công tác liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, công tác hậu kiểm của cơ quan chức năng không được thực hiện hiệu quả.