Để doanh nghiệp (DN) trong nước thật sự lớn mạnh, các ngành xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày phải tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là lựa chọn tất yếu mà cơ hội của hội nhập, các hiệp định kinh tế đang đặt ra cho XK của Việt Nam.
Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh
Tham gia Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2014 và triển vọng kinh doanh ngành da giày, dệt may tổ chức tại TPHCM mới đây, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng là thành viên trong nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về ngành công nghiệp nhẹ (dệt may, da giày, gỗ, chế biến nông sản, kim khí), có sự so sánh giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước châu Phi. Bà Hằng cho biết, kết quả nghiên cứu trên sẽ giúp ngành dệt may, da giày Việt Nam định hình được năng lực của ngành, so sánh tương quan lợi thế cạnh tranh của 2 ngành này với các nước XK khác.
Dệt may, da giày của Việt Nam nằm trong tốp đầu những nước XK dệt may, da giày của thế giới, thế nhưng sản phẩm XK của Việt Nam chủ yếu vẫn là sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp vì phải nhập phần lớn nguyên liệu để sản xuất và DN trong nước chủ yếu thực hiện công đoạn lắp ráp. Hơn 80% DN trong 2 ngành này là DN nhỏ và vừa, do vậy không có nhiều DN có thể đảm nhận được những đơn hàng phức tạp. So với nhiều nước trong khu vực thì tốc độ tăng trưởng của sản phẩm sử dụng công nghệ cao thấp. Ở Trung Quốc, năm 2000 tỷ lệ sản phẩm sử dụng công nghệ cao khoảng 20%, đến năm 2011 tỷ lệ này đã tăng lên 40%. Nghiên cứu cho thấy, năng suất lao động tại Việt Nam không chỉ thấp hơn Trung Quốc mà còn thấp hơn cả Ethiopia (châu Phi). Một trong những trở ngại lớn đó chính là công nghệ sản xuất chưa hiện đại, tiêu hao năng lượng cao… đẩy chi phí sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang có nhiều lợi thế cạnh tranh, nếu tái cấu trúc và thay đổi chiến lược kinh doanh mới thì XK dệt may, da giày của Việt Nam sẽ có thay đổi lớn, nhất là khi Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội với các hiệp định kinh tế.
Việt Nam có lợi thế rất lớn so với Trung Quốc ở chi phí lao động. Hiện chi phí của lao động Trung Quốc cao hơn một nửa hoặc 1/3 so với lao động tại Việt Nam. Theo khảo sát, tiền lương bình quân hàng tháng của lao động có tay nghề ở Trung Quốc ở mức 296 - 562 USD, trong khi đó, mức này ở Việt Nam là 119 - 140 USD; tỷ lệ này ở lao động phổ thông, Trung Quốc khoảng 237 - 488 USD, Việt Nam khoảng 78 - 93 USD. Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”, lực lượng lao động dồi dào nhưng tương lai sẽ không còn lợi thế này nữa.
Nỗ lực hoàn thiện chuỗi cung ứng nguyên liệu
Công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, nguyên liệu nhập khẩu, gia công, lắp ráp… là những hạn chế dễ dàng nhìn thấy được của XK dệt may, da giày. Tuy nhiên, có những yếu tố quan trọng không kém làm cho dệt may, da giày chưa có một bước tiến, đột phá nhiều hơn về giá trị XK chính là vai trò của dệt may, da giày Việt Nam trong chuỗi cung ứng của toàn cầu vẫn còn mờ nhạt! Ví như trong chuỗi cung ứng toàn cầu của dệt may, từ trồng bông, xơ, sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, cắt may, vận chuyển, nhà thương mại nhập khẩu trung gian, đến đại lý, hệ thống phân phối, bán lẻ, đến người tiêu dùng toàn cầu... thì hiện nay Việt Nam mới đảm nhận tốt nhất vai trò cắt may. Và hiện đang đầu tư, nỗ lực để hoàn thiện chuỗi cung ứng nguyên liệu bông, sợi, dệt nhuộm để đáp ứng yêu cầu xuất xứ hưởng thuế suất của các hiệp định thương mại. Với chuỗi cung ứng này thì Việt Nam đang được chia phần nhỏ nhất của chiếc bánh lợi nhuận.
Chúng ta có thể được phần lớn hơn của chiếc bánh này nếu như DN dệt may, da giày Việt Nam đi sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tự lực, sản xuất được nguồn nguyên liệu trong nước là điều chúng ta đã đặt ra và phải làm. Vậy những khâu còn lại trong chuỗi cung ứng, DN Việt Nam có tham gia được không? Hiện nay, rất nhiều DN Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Công, Đài Loan đang giữ vai trò nhà thương mại trung gian của XK dệt may thế giới và họ rất thành công. Đây cũng là con đường để DN Việt Nam đi sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một thực tế tại Việt Nam hiện nay, DN sản xuất ra nguyên liệu nhưng có ít người mua hàng vì phần lớn DN sản xuất trong nước phải mua nguyên liệu chỉ định của nhà nhập khẩu, nhà thương mại. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giày - Túi xách Việt Nam chia sẻ, với cơ hội về thuế suất khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, hiện nay nhiều thương hiệu giày lớn trên thế giới sẵn sàng để DN sản xuất tại Việt Nam tự quyết định chọn mua nguồn nguyên liệu để sản xuất đơn hàng cho họ. Đây là dấu hiệu tích cực cho DN sản xuất trong nước. Tuy nhiên, DN Việt Nam phải đảm bảo được chất lượng nguyên liệu đầu vào sản phẩm, đáp ứng yêu cầu nhập khẩu theo tiêu chuẩn của các nước. Đây là trở ngại lớn đối với DN trong nước vì DN đáp ứng được năng lực, điều kiện này không nhiều.
HÀ NHAI