Xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng cao

(SGGP).- Bộ Công thương cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 4,17 tỷ USD, tăng 21,94% so với cùng kỳ năm trước. Đối tác chính nhập khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam là UAE, trị giá 673,14 triệu USD, tăng 29,53% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 16% tổng trị giá xuất khẩu; tiếp đến là thị trường Mỹ, trị giá 284,78 triệu USD, tăng 0,21% và đứng thứ ba là thị trường Đức, thu về 269,25 triệu USD, tăng 45,97% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, dù giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện lớn nhưng theo đánh giá chung, chủ yếu vẫn là do đóng góp của doanh nghiệp FDI. Khu vực FDI cũng là một bộ phận của nền kinh tế trong nước, nên kết quả tăng trưởng cao của kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện nói riêng, cũng như của toàn bộ khu vực FDI nói chung đã góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng cao của xuất khẩu, vào việc giảm nhập khẩu, góp phần chuyển vị thế từ nhập siêu sang xuất siêu.

LẠC PHONG



Tiêu thụ xi măng tăng, sắt thép giảm

(SGGP).- Theo Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Công thương, tiêu thụ xi măng trong 2 tháng đầu năm 2015 đạt 9,01 triệu tấn, bằng 103,9% so với cùng kỳ năm 2014 và đạt 12,5% kế hoạch năm 2015. Đây là mức tiêu thụ xi măng tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2014, trong bối cảnh sản xuất công nghiệp nói chung có sự ổn định và nhu cầu trong nước có xu hướng tăng lên. Để bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường xi măng, mới đây Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa 5 dự án xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clanh-ke/ngày ra khỏi quy hoạch, hoãn thực hiện 9 dự án đến giai đoạn sau năm 2015. Dự kiến, năm 2015 chỉ có 1 dây chuyền xi măng mới được đưa vào sản xuất, rút ngắn khoảng cách chênh lệch cung - cầu.

Trong khi đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sức tiêu thụ thép trong 2 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt hơn 300.000 tấn, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước; tồn kho tăng 39,9%. Theo VSA, hiện nay tổng năng lực sản xuất ngành thép Việt Nam lên đến 22 triệu tấn, gồm thép xây dựng 10,8 triệu tấn/năm; thép ống hàn là 2,11 triệu tấn; tôn mạ các loại 4 triệu tấn và thép tấm cuộn cán nguội khoảng 4,8 triệu tấn. Hầu hết các chủng loại thép đều có công suất và sản lượng vượt gấp đôi so với nhu cầu tiêu thụ trong nước. Nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một số loại thép trong nước chưa sản xuất được như thép tấm cuộn cán nóng, thép hợp kim… VSA dự báo năm 2015 nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng đạt khoảng 5,97 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2014; thép ống đạt 1,36 triệu tấn, tăng 15%; tôn mạ đạt 3,25 triệu tấn, tăng 15%; thép tấm cuộn cán nguội đạt 3 triệu tấn, tăng 15%. Dự báo cả ngành thép năm 2015 sẽ có mức tăng trưởng 11,8% so với năm 2014. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành thép trong nước thời gian tới, VSA đã kiến nghị các bộ, ngành chức năng tiếp tục rà soát các dự án thép nhằm loại bỏ những dự án đầu tư không hiệu quả, tránh đầu tư tràn lan gây mất cân đối cung - cầu thép trong nước.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục