Điển hình, xuất khẩu lúa gạo có sự bứt phá mặc dù thị trường các nước siết chặt nhập khẩu bằng các quy định khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng và nguồn cung trên thị trường thế giới tiếp tục gia tăng, cạnh tranh căng thẳng hơn…
Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2018 đạt trị giá 1,84 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ. Cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng tăng phân khúc gạo chất lượng cao, giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp.
Hiện mức giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn. Điều đó cho thấy, những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia và nguy cơ cuộc chiến thương mại toàn cầu vẫn chưa tác động nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam.
Trong hoạt động xuất khẩu, đáng chú ý là khu vực doanh nghiệp vốn nhà nước có mức tăng trưởng mạnh. Nếu 2 năm trước khu vực này có mức tăng trưởng không đáng kể (năm 2015 xuất khẩu giảm 2,6%; năm 2016 tăng 5,5%; năm 2017 tăng 17,7%) thì 6 tháng đầu năm nay đã có sự bứt phá mạnh mẽ, đưa kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp vốn nhà nước ước đạt trên 33 tỷ USD, tăng gần 20%, vượt qua cả mức tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (14,5%).
Chỉ số tăng trưởng 6 tháng đầu năm sẽ giúp doanh nghiệp trong nước cân bằng tỷ trọng xuất khẩu giữa khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nội địa.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, phù hợp với mục tiêu của chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, xuất khẩu các sản phẩm khoáng sản đang giảm dần với tỷ trọng chiếm 1,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (năm 2017 chiếm 2,5%).
Trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như các sản phẩm ngành nông sản, thủy sản đang được cải thiện với tỷ trọng 2 nhóm hàng này đạt lần lượt 11,8% và 81,9%, cao hơn năm trước (tỷ lệ năm 2017 lần lượt là 12,5% và 80,2%).