Xuất khẩu sang ASEAN tiếp tục tăng trưởng

(SGGP).- Bộ Công thương cho biết, dự báo xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thuộc ASEAN tiếp tục tăng trưởng ổn định trong vòng 2 năm tới và có cơ hội bùng nổ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm 2015, nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan với tổng số trên 99% dòng thuế của ASEAN 6 là 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Năm 2013, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 18,47 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm trước đó, đứng sau Mỹ và EU. Trong 7 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Malaysia đạt 2,3 tỷ USDõ, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2013; xuất khẩu sang thị trường Thái Lan đạt xấp xỉ 1,9 tỷ USD, tăng gần 2,5% so với cùng kỳ 2013; xuất khẩu sang thị trường Singapore đạt 1,63 tỷ USD, tăng gần 6,9% so cùng kỳ 2013; xuất khẩu sang thị trường Indonesia đạt 1,56 tỷ đô la Mỹ, tăng 20,8% so cùng kỳ 2013. Điện thoại, dầu thô, sắt thép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện các mặt hàng máy móc phụ tùng và gạo là các mặt hàng chiếm kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam vào ASEAN.

THẢO TIÊN

* Nhiều đơn hàng thủ công mỹ nghệ dịch chuyển đến Việt Nam

(SGGP).- Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, mục tiêu giá trị xuất khẩu 1,6 tỷ USD trong năm 2014 đối với mặt hàng thủ công mỹ nghệ có thể cán đích sớm nhờ hàng loạt đơn hàng từ Nhật Bản, Trung Quốc đang dịch chuyển sang thị trường Việt Nam. Đơn hàng từ hai thị trường này chuyển dịch về Việt Nam là do tác động từ chính sách tăng lương tối thiểu nên giá thành sản xuất tại Trung Quốc ngày một cao. Mặt khác, nhân công làm hàng thủ công mỹ nghệ ở Trung Quốc giảm do một bộ phận lớn lao động chuyển sang sản xuất công nghiệp, khiến thời gian giao hàng kéo dài đến 60 ngày, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chỉ mất khoảng 30 ngày. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu còn tin tưởng vào chất lượng sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.

THẢO TIÊN

* Xuất khẩu cao su giảm mạnh

(SGGP).- Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu cao su đạt 832 triệu USD tương ứng với 451.000 tấn, giảm 32,3% về giá trị và 10% về lượng so với 7 tháng đầu năm 2013. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt gần 139.000 tấn, trị giá gần 248 triệu USD, giảm 23,6% về lượng và giảm tới 42,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2013. Hiện Trung Quốc vẫn chiếm gần 40% lượng cao su xuất khẩu cả nước. Giá cao su xuất khẩu bình quân trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.870 USD/tấn, giảm đến 52% so với năm 2011. Dư báo, với tình hình này, Việt Nam có kế hoạch giảm sản lượng xuất khẩu cho cả năm 2014 xuống 1 triệu tấn, tương đương giảm khoảng 7% so với năm 2013.

Theo nhận định của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, năm 2015 giá cao su vẫn còn ở mức thấp và phải đến năm 2016, mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Diện tích trồng cao su của Việt Nam tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ mức 450.000 ha năm 2003 lên mức khoảng 955.000 ha năm 2013. Giá cao su liên tục giảm, giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2014 đã khiến một bộ phận người trồng cao su thanh lý vườn cây trước hạn, bao gồm cây trồng mới và cây đang khai thác, diện tích cây cao su dự báo sẽ giảm đáng kể trong năm 2014 qua đó dự báo sản lượng cao su sẽ giảm trong những năm tiếp theo.

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục