Trong đó, tiêu thụ đạt gần 18 triệu tấn, tăng 20,7% so với năm 2016; xuất khẩu đạt 3,75 triệu tấn, tăng trên 34% so với năm 2016. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng năm 2017 đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 62% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, Việt Nam từ trước tới nay là nước vẫn thường phải nhập khẩu phôi thép nhưng nay đã xuất khẩu được trên 300.000 tấn phôi trong năm 2017.
Đây là bước tiến thể hiện năng lực của ngành công nghiệp thép trong nước, giúp giảm lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và dần làm chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào cho việc luyện cán thép.
Ở chiều ngược lại, tổng các sản phẩm thép nhập khẩu trong năm 2017 cũng đã giảm khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2016. Theo đánh giá của VSA, tình hình thị trường thép năm 2018 tiếp tục đà tăng trưởng cao, dự kiến toàn ngành thép đạt 20% - 22%. Dù kỳ vọng tăng trưởng cao, nhưng VSA cũng dự báo ngành thép vẫn luôn gặp phải khó khăn bởi phần lớn nguyên liệu như than, cốc, phế… đều nhập khẩu nên phụ thuộc về giá, cùng với đó là doanh nghiệp phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu.
Cùng điểm sáng trong ngành vật liệu xây dựng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, xuất khẩu xi măng đầu năm 2018 đang thuận lợi do giá xuất khẩu bắt đầu nhích lên với mức tăng từ 5 - 7 USD/tấn so với năm 2017. Nguyên nhân nhờ chính sách trong nước đưa thuế xuất khẩu xi măng về 0% nên có lợi cho xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam. Một trong những yếu tố giúp xuất khẩu xi măng thuận lợi nữa là chính sách phát triển vật liệu xây dựng của Trung Quốc đã giảm đáng kể để bảo vệ môi trường, nên Việt Nam đang là nước xuất khẩu clinker cho Trung Quốc. Số liệu 10 tháng năm 2017 cho thấy, xuất khẩu xi măng và clinker sang Trung Quốc đạt 161.000 tấn, trị giá gần 5 triệu USD, tăng 480% về lượng và 470% về trị giá so với cùng kỳ. Các thị trường chủ lực của ngành xi măng như Bangladesh, Myanmar, lãnh thổ Đài Loan… vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp khai thác hiệu quả.